Hôm nay là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - ngày tôn vinh nghề báo và những người làm báo, một nghề vất vả nhưng cũng đầy tự hào.
Công việc của người làm báo khá vất vả, áp lực, thường xuyên phải đi cơ sở nắm tình hình, lấy thông tin. Để có những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, phóng viên cũng phải lội ruộng, chui xuống hầm lò, xông vào những nơi ô nhiễm, thậm chí phải thâm nhập vào những đường dây buôn hàng giả, những "động lắc"... Công việc của người làm báo không chỉ gói gọn trong 8 giờ hành chính mà bất cứ lúc nào khi có sự kiện diễn ra, đặc biệt là những việc đột xuất bất ngờ như thiên tai, cháy nổ... Không chỉ những phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường vất vả mà ngay những người làm ở tòa soạn cũng phải chờ đợi để xử lý kịp thời tin bài đăng ngay lên báo điện tử, báo in.
Vất vả nhưng nghề báo khá thú vị. So với nhiều công việc văn phòng khác có phần nhàm chán vì suốt ngày "đút chân gầm bàn", mọi việc lặp đi lặp lại, phạm vi hoạt động hẹp... thì người làm báo luôn được "bay nhảy", tiếp cận đầu tiên với những cái mới, cái lạ. "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", mỗi ngày, dọc đường tác nghiệp, người làm báo được gặp thêm bao người, học thêm kinh nghiệm...
Tuy nhiên, người làm báo cũng đang phải đối mặt với nhiều cám dỗ, thử thách. Có những phóng viên lợi dụng công việc, quen biết nhiều cán bộ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp... để nhờ vả việc riêng. Cũng vì có mối quan hệ, nắm bắt được nhiều kênh thông tin nên một số nhà báo không chuyên tâm làm nghề mà "chân trong chân ngoài", dành nhiều thời gian cho nghề "tay trái" hơn là làm báo.
Hằng tháng, các phóng viên, nhà báo đều được thanh toán tiền công tác phí, nhưng khi đi cơ sở, không ít địa phương vẫn chi "tiêu chuẩn". Khi đã nhận "tiêu chuẩn" thì ít nhiều sẽ tác động đến ngòi bút, nhiều phóng viên viết theo kiểu "cố đấm ăn xôi", lẽ ra không đáng viết nhưng vẫn nặn cho bằng được. Hoặc có người nắm được thông tin về những vụ việc tiêu cực, hạn chế ở cơ sở nhưng ỉm đi, không báo cáo với Ban Biên tập hoặc trưởng, phó phòng.
Có người khi đi làm bài điều tra, phê bình, nắm được thóp của đối tượng, thay vì cung cấp thông tin đến bạn đọc qua các bài viết, họ lại dùng thông tin để uy hiếp, vòi vĩnh nhằm trục lợi. Trường hợp phóng viên Đào Thị Thanh Bình của Báo Thương hiệu và Công luận bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang khi đang nhận 70.000 USD của ông Tăng Duệ Bằng (quốc tịch Trung Quốc) - Giám đốc đối ngoại Công ty Luxshare - ICT Việt Nam ngày 18.12.2018 là một ví dụ. Đào Thị Thanh Bình định "ẵm" số tiền này để bỏ qua sai phạm, không viết bài. So sánh với mức nhuận bút khoảng 1-2 triệu đồng/bài phóng sự - điều tra như nhiều tờ báo trả cho phóng viên hiện nay thì con số 70.000 USD kia quả là một cám dỗ đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh, có đạo đức nghề nghiệp để không sa chân. Ranh giới giữa vinh quang nghề nghiệp với vi phạm pháp luật cũng không xa là bao nếu nhà báo thiếu đi bản lĩnh và phẩm chất đạo đức.
Nhiều người không thích làm báo bởi đây là nghề nguy hiểm, một công việc quá vất vả, luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, bị đối tượng phê bình trong bài viết đe dọa, hãm hại. Làm công việc này đầu óc luôn không được thanh thản mà đầy ắp trở trăn, "ăn" nay phải lo mai. Nhưng hãy nghĩ những "con sâu bỏ rầu nồi canh" kia chỉ là con số rất ít trong đội ngũ những người làm báo. Đại bộ phận người làm báo vẫn đang hằng ngày, hằng giờ nỗ lực để cho ra đời những món ăn tinh thần hấp dẫn bạn đọc, nghĩ đến những thú vị của nghề... để giữ mãi lửa cho ngòi bút.
KIM THANH