Trong cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hưởng (quê ở TP Hải Dương), nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam có hơn 10 năm ông là phóng viên chiến trường, cũng là những năm tháng quan trọng nhất trong cuộc đời làm báo của ông.
Chúng tôi đến thăm nhà báo Trần Mai Hưởng trong một chiều mưa tháng 6, khi chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024). Ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội) bình dị như cuộc sống tuổi nghỉ hưu của ông.
Trong cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hưởng có hơn 10 năm ông là phóng viên chiến trường. Nhưng đó là 10 năm quan trọng nhất trong cuộc đời làm báo của ông, giúp hình thành phẩm chất, nhân cách, bản lĩnh để phục vụ công việc làm báo sau này.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với người cựu phóng viên chiến trường nổi tiếng kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Nhà báo Trần Mai Hưởng đã lật giở từng trang ký ức, đưa chúng tôi về với những ngày tháng chiến tranh khốc liệt.
Từ khi còn là một nhà báo trẻ của Thông tấn xã Việt Nam, ông trải qua “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ở Quảng Trị. Đối với ông, nơi đây mãi là vùng đất với nhiều sự kiện và gắn bó. Đó là chiến dịch tổng tiến công với những trận đánh lớn, những mất mát hy sinh con người phải gánh chịu. Đó là nữ du kích Thu Hồng, người mà ông vừa chụp ảnh đã hy sinh vài tuần sau đó, khi chị chưa tròn 20 tuổi; đó là phóng viên ảnh Nghĩa Dũng ông gặp trên đường hành quân, đã ngã xuống ngay những ngày đầu chiến dịch.
Mùa xuân 1973, sau khi ký Hiệp định Paris cũng in trong tâm trí ông những hình ảnh đặc biệt: Giọt nước mắt của hai vợ chồng là chiến sĩ bị giam cầm, gặp lại nhau sau 12 năm xa cách trên bãi trao trả tù binh bên dòng Thạch Hãn; khoảnh khắc hiếm hoi trên điểm hòa hợp ở Linh Quang - Triệu Phong, khi các chiến sĩ giải phóng và những người lính Sài Gòn gặp gỡ với những khao khát hòa bình.
Ông cũng là một trong những nhà báo đầu tiên vào Huế khi cố đô vừa giải phóng, có mặt ở Dinh Độc Lập ngay trong ngày 30/4/1975 lịch sử và chụp bức ảnh để đời “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”. Đó là chiếc xe tăng mang số hiệu 846, trưởng xe Nguyễn Quang Hoà, lái xe Trần Bình Yên, pháo thủ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Bá Tứ - những người sau này trở thành bạn của ông. Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Ông có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào đây, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Ông mãi không quên thời khắc cùng họ đón cái Tết đầu tiên xa Tổ quốc. Ông cũng đã trải qua những giây phút tác nghiệp ngay trong tầm đạn bắn của đối phương trên vùng biên giới Cao Bằng, Hà Giang trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược.
Trong cuốn Hồi ký phóng viên chiến trường, có đoạn ông viết: “Tôi đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng. Tôi đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá!”.
Đối với phóng viên chiến trường, vấn đề không chỉ là gian khổ, hy sinh, đem sự sống của mình ra đặt cược cho mỗi chuyến đi. Cái khó hơn là trong hoàn cảnh như vậy, họ phải hoàn thành nhiệm vụ. Không những phải có mặt, chứng kiến mà còn phải có được hình ảnh, tư liệu chuyển được về cơ quan kịp thời. Đó là những thách thức rất lớn, những hiểm nguy, để vượt qua không chỉ cần lòng dũng cảm mà còn cần cả sự quyết đoán, thông minh khi xử lý các tình huống.
Đời phóng viên chiến trường lắm gian truân, vất vả, vừa phải đi hành quân cùng bộ đội, vừa phải tác nghiệp giữa khó khăn, nguy hiểm, đồng thời vẫn bảo đảm tính thời sự của tin tức. Ông kể, ngày ấy tác nghiệp xong, ông phải đi ngược hàng chục km, lội sông, băng rừng về nơi đặt điện đài để phát bài ra Hà Nội.
Trong quá trình tác nghiệp nơi chiến trường, đã có nhiều lúc nhà báo Trần Mai Hưởng chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất. Ông lấy giấy ghi tên mình, bọc vào nilon, đặt trong túi áo, cài chặt kim băng để phòng khi có trúng bom hy sinh thì mọi người còn biết mình là ai.
Đây không chỉ là riêng câu chuyện của nhà báo Trần Mai Hưởng, mà còn là câu chuyện chung của cả một thế hệ phóng viên thời kỳ chiến tranh. Những năm tháng chiến tranh đã giúp những người làm báo như ông rèn luyện. Bản lĩnh sống, những giá trị, phẩm chất hình thành từ năm tháng ấy là điểm tựa cho mỗi người trong những năm tháng hòa bình sau này.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, những phóng viên chiến trường như ông đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí, cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông tự hào nói rằng: “Tôi hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy và nếu có thể chọn lựa lại, tôi vẫn xin làm một nhà báo để ca ngợi những điều tốt đẹp về con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình”.
Đi qua những nẻo đường chiến tranh và hòa bình, nhà báo Trần Mai Hưởng cho rằng mỗi thời kỳ, người làm báo đều phải đối mặt với những khó khăn, thách thức riêng. “Nếu như ngày xưa chúng tôi phải cạnh tranh với bom rơi, đạn lạc thì thế hệ làm báo ngày nay phải cạnh tranh trong thời kỳ công nghệ số, toàn cầu hóa. Thế hệ nhà báo trẻ hiện nay có nhiều thế mạnh, được đào tạo tốt, đặc biệt là về khoa học - công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại. Tôi tin tưởng rằng họ sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp của lớp cha anh, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đưa nền báo chí nước ta lên ngang tầm nhiệm vụ của thời kỳ mới”, nhà báo Trần Mai Hưởng tâm sự.
LINH LINH