Làm thế nào một kẻ có tiền án lại được tuyển dụng vào ngành giáo dục, tạo nên tình huống giao trứng cho ác?
Một thầy giáo tiểu học ở Tam Nông, Đồng Tháp vừa bị đề nghị truy tố vì có hành vi quan hệ tình dục với 5 nam sinh, theo kết luận điều tra của Công an tỉnh.
Thông tin này còn gây sốc hơn khi nhà chức trách cho biết, bị can có tiền án ba năm tù về tội dâm ô trẻ em.
Tôi, cũng như nhiều phụ huynh khác, lập tức đặt câu hỏi: làm thế nào một kẻ có tiền án như vậy lại được tuyển dụng vào ngành giáo dục, tạo nên tình huống giao trứng cho ác?
Một lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp cho biết, người này được tuyển dụng năm 2009, thời điểm áp dụng Nghị định 116/2003, không yêu cầu người trúng tuyển phải nộp lý lịch tư pháp. Sở Giáo dục và Đào tạo vì vậy khẳng định không biết cặn kẽ trường hợp có tiền án này. Việc tuyển dụng được đánh giá là đúng quy trình.
Nghị định 115/2020 đã bổ sung yêu cầu người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, trong đó có phiếu lý lịch tư pháp. Nhưng lý lịch tư pháp xét cho cùng không phải vấn đề quan trọng nhất ở đây. Vì pháp luật hiện hành quy định, người đã chấp hành xong án tù và các hình phạt bổ sung (nếu có) thì được phục hồi quyền công dân, được ứng tuyển vào các vị trí việc làm.
Vì vậy, vấn đề là mức án và các hình phạt bổ sung đối với tội phạm tình dục trẻ em đã đủ mạnh và có tác dụng ngăn ngừa tái diễn hay không?
Thống kê của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội từ tháng 6.2019 đến tháng 6.2021 ghi nhận hơn 4.000 vụ xâm hại trẻ em trên cả nước, nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi 13-16. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 1.711 vụ xâm hại được phát hiện, tăng 15% so với trung bình hai năm trước đó.
Xâm hại tình dục trẻ em là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi tính chất và mức độ nghiêm trọng mà hành vi phạm tội gây ra. Những vụ án thời gian qua cho thấy, đối tượng phạm tội không có sự phân biệt về học vấn, lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, điều kiện kinh tế...
Không ít tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do xuất phát từ chứng rối loạn ấu dâm, được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (DSM-5). Tâm lý và hành vi xâm hại tình dục trẻ em của những tội phạm có chứng rối loạn ấu dâm này có tính chất tái diễn, lặp lại với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Số khác không có xu hướng ấu dâm, không mắc chứng rối loạn ấu dâm, nhưng ý định, ham muốn và hành vi phạm tội của chúng dễ nảy sinh trong những điều kiện thuận lợi, khi nạn nhân không đề phòng, không có khả năng tự vệ hoặc không được bảo vệ.
Vài năm trước, tôi làm việc trong một dự án phi chính phủ về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Một trong số mục tiêu quan trọng của dự án là nâng cao nhận thức và kỹ năng của trẻ em, cha mẹ, đại diện của cộng đồng, lãnh đạo địa phương, cán bộ các cơ quan ban ngành... nhằm phòng ngừa và ứng phó với xâm hại tình dục trẻ em.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, dự án còn vận động sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em. Do tính chất nguy hiểm và khả năng lặp lại cao của loại tội phạm này, các nước áp dụng hình phạt rất nặng, và đặc biệt chú ý tới cơ chế ngăn ngừa tái diễn. Ngoài án chung thân, thậm chí tử hình với các trường hợp nghiêm trọng, các quốc gia như Nga, Indonesia, Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan... đã phê chuẩn các đạo luật cho phép "thiến hóa học" với những tội phạm xâm hại tình dục trẻ dưới 16 tuổi. Biện pháp này thường được áp dụng không mang tính bắt buộc, mà dựa trên sự tự nguyện của tù nhân, người vi phạm. Mục đích là để cải thiện sức khỏe tinh thần của người bị kết án, giảm ham muốn tình dục và làm giảm nguy cơ tái phạm.
Ngoài ra, nhiều nước phát triển còn ứng dụng công nghệ vào việc giám sát, quản lý tội phạm tình dục trẻ em. Mỹ là một ví dụ. Nước này chia loại tội phạm này thành 4 cấp độ, trong đó, với cấp độ 1 và 2, người phạm tội bị phạt tù 15 năm đến chung thân, và phải đeo thiết bị giám sát GPS đến suốt đời. Thiết bị này giúp bảo đảm kẻ từng có tiền án không thể tiếp cận với trẻ em.
Kẽ hở lớn của pháp luật Việt Nam là chưa có quy định cụ thể yêu cầu kẻ dâm ô trẻ em phải cách ly với trẻ sau khi chấp hành xong án phạt. Chúng ta cũng chưa có cơ quan chuyên trách quản lý sau thi hành án đối với tội phạm này.
Năm 2019, Economist Intelligence Unit (EIU) - hãng nghiên cứu thuộc Economist Group, công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist - công bố báo cáo Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em). Việt Nam đứng thứ 37 trong 40 quốc gia được xếp hạng về chống xâm hại tình dục trẻ em, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông. Chúng ta kém hơn tất cả các nước được khảo sát trong khu vực như Philippines (thứ 16), Campuchia (23), Indonesia (32), Trung Quốc (36)...
Nếu các nhà làm luật không sớm xem xét tăng hình phạt bổ sung và siết chặt giám sát với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, thì sau khi ra tù, chúng sẽ tiếp tục "săn mồi" bất kể có rơi vào môi trường thuận lợi như thầy giáo tiểu học ở Đồng Tháp hay không.
Theo VnExpress