Các tổ dịch vụ cơ giới hóa không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong thời vụ sản xuất lúa.
Các đại biểu tham quan mô hình lúa cấy máy tại xã Định Sơn
Tổ dịch vụ cơ giới hóa (10 người/tổ) sản xuất mạ khay cấy máy phục vụ nông dân đã giúp giảm tối thiểu thêm 10% giá dịch vụ mạ khay máy cấy so với giá dịch vụ cùng loại tại địa phương. Đặc biệt, khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng lúc thời vụ, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa, hiện đại. Đây là đánh giá được Trung tâm Khuyến nông Hải Dương nêu ra tại hội nghị đầu bờ tổ chức vào sáng 9.6 tại xã Định Sơn (Cẩm Giàng).
Dự án “Xây dựng mô hình tổ chức dịch vụ ứng dụng mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa tại Hải Dương giai đoạn 2021 – 2023” được Trung tâm Khuyến nông Hải Dương triển khai tại vụ đông xuân năm 2023. Đơn vị đã xây dựng 1 mô hình cấy máy với diện tích 35 ha ở xã Định Sơn. Mô hình đã giúp nông dân địa phương thay đổi tập quán canh tác lúa, dưa cơ giới hóa động bộ vào sản xuất, tạo vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, giảm chi phí đầu tư so với gieo thẳng hơn 2,1 triệu đồng/ha, giảm 30% lượng hạt giống, 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm công lao động; tăng gần 2,5% năng suất và tăng hiệu quả kinh tế thêm hơn 3 triệu đồng/ha so với gieo cấy thủ công. Đặc biệt, mô hình khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều do đầu tư cao và sản xuất lúa kém hiệu quả.
TRẦN HIỀN