Gặp khó do Covid-19, nhiều 'ông lớn' Nhà nước xin tiếp sức gấp

29/02/2020 20:44

Nhiều "ông lớn" Nhà nước mong muốn có những chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại do Covid-19.

Ngành hàng không đang gánh chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19

Nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ

Báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, qua đánh giá sơ bộ, đến hết năm 2020, tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng ước giảm hơn 35 triệu hành khách, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ so với kế hoạch năm.

ACV kiến nghị xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt đối với hai dự án cải tạo nâng cấp hệ thống sân đường khu bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác khi thị trường hồi phục trở lại và an toàn hoạt động bay.

Do ảnh hưởng dịch Covid 19, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xóa dư nợ lãi đối với các tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc, kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 10.1.2017 của Chính phủ. Đồng thời, Tổng công ty này mong muốn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp của Tổng công ty, thực hiện cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoanh nợ gốc khi chưa xử lý nợ.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho hay hãng lao đao do dịch Covid-19.

Vietnam Airlines đã đưa ra 3 kịch bản khác nhau về tình hình dịch bệnh, trong đó dự báo sẽ bị ảnh hưởng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6. Nếu dịch còn kéo dài thì tình hình của doanh nghiệp còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Lãnh đạo hãng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam giảm 50% phí hạ cất cánh điều hành bay trong thời gian dịch bệnh với các hãng hàng không Việt Nam; giãn thuế nhập khẩu nhiên liệu tàu bay trong thời gian dịch bệnh; xem xét lùi thời gian nộp các khoản ngân sách trong thời gian dịch bệnh để cân đối nguồn lực; kiến nghị các bộ, ngành nới lỏng chính sách visa để thu hút du khách, hỗ trợ du lịch.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay,... báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 này.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế...

Rủi ro nhưng vẫn có cơ hội

Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch viêm phổi cấp đến Việt Nam hồi đầu tháng 2, Bộ Tài chính cho biết: Thống kê cho thấy năm 2019 kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (hơn 269 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 75,5 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Số thuế phải thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 84.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành Hải quan.

“Do đó, có thể nói nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính lưu ý.

Những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất gồm dệt may, điện tử, tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này “có thể chỉ mang tính tạm thời” và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc “có thể sớm được khôi phục khi dịch bệnh được kiểm soát”.

Do vậy, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Bộ Tài chính nhận định khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm tại các cửa hàng, nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Bộ Tài chính đánh giá: Trong ngắn hạn, tác động của dịch viêm phổi đối với lĩnh vực bảo hiểm là không lớn, không làm tăng giá cả. Tuy nhiên, nếu dịch cúm corona bùng phát trên diện rộng tại Việt Nam và kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải tăng chi phí bồi thường bảo hiểm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Đồng thời, trường hợp thị trường chứng khoán sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sự kiện này cũng tác động tích cực đối với thị trường bảo hiểm qua việc nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm được nâng lên, từ đó thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm của người dân để bảo vệ sức khỏe cũng như tài sản của mình.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp khó do Covid-19, nhiều 'ông lớn' Nhà nước xin tiếp sức gấp