Doanh nghiệp nhà nước cần đẩy nhanh giải ngân vốn

19/03/2023 12:10

Với việc nắm giữ lượng tài sản lớn, các doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách đầu tư và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cung tiền ra nền kinh tế.


Thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, một trong số ít những dự án lớn được khởi công giai đoạn vừa qua của ngành điện - Ảnh: X.TIẾN

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) vào ngày 18.3.

Không đạt kỳ vọng

Thống kê của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, năm 2023, 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1,6 triệu tỷ đồng (gồm cả phần quỹ chưa điều chuyển là 8.000 tỷ đồng), tổng tài sản hợp nhất là 2,45 triệu tỷ đồng, tăng 14.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các doanh nghiệp nhà nước gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty dù nắm giữ nguồn lực vốn, tài sản lớn nhưng chưa huy động, khai thác hiệu quả để đẩy mạnh thực hiện đầu tư các dự án quan trọng. Vì vậy, vai trò và vị trí của các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn không đạt như kỳ vọng.

Đáng chú ý, thời gian qua có rất ít dự án, công trình mới được khởi công. Hầu như các tập đoàn, tổng công ty chỉ tiếp tục thực hiện dự án dở dang hoặc xử lý dự án còn tồn đọng từ trước. Một số doanh nghiệp nhà nước có tâm lý e ngại rủi ro, không muốn thực hiện dự án mới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư cũng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết để thực hiện dự án lớn.

Trong khi có những DN thiếu vốn đầu tư sản xuất như dự án điện, dầu khí thì vẫn còn doanh nghiệp nhà nước có vốn nhàn rỗi. Năng lực triển khai dự án còn yếu ở nhiều khâu, việc tổ chức triển khai dự án còn kéo dài, làm giảm hiệu quả nguồn lực nên đầu tư chưa đạt như kỳ vọng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những kết quả đạt được của doanh nghiệp nhà nước chưa ngang tầm với vốn, tổng giá trị tài sản đang nắm giữ.

Trong suốt giai đoạn 2016 - 2020, hầu như các doanh nghiệp nhà nước không có hoạt động đầu tư lớn nào trong khi giải quyết nhiều khó khăn, nhất là phải xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ.

Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao trong xử lý các dự án này. Phát huy tinh thần yêu nước, chủ động, tích cực, tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm. Các bộ, ngành liên quan cũng phải quyết tâm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.

Phát huy vai trò dẫn dắt

Theo Thủ tướng, với việc nắm giữ lượng tài sản lớn như vậy, các doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách đầu tư và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cung tiền ra nền kinh tế.

Về giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tổng kết đề án "Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp". Hoàn thiện mô hình, tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, không can thiệp vào sản xuất kinh doanh. Tích cực, chủ động xử lý những vấn đề tồn đọng.
Thủ tướng yêu cầu ủy ban sử dụng nguồn vốn tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Phối hợp các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vấn đề pháp lý, sản xuất kinh doanh, thị trường, quản trị doanh nghiệp. Dồn nguồn lực cho chuyển đổi số, nâng cao năng lực đội ngũ, tuyển chọn công khai, huy động nguồn lực.

Với các doanh nghiệp nhà nước, cần nâng cao trách nhiệm, đầu tư cho đổi mới sáng tạo, tập trung cho những ngành mới nổi. Đổi mới quản trị kinh doanh, đầu tư các dự án trọng điểm. Tiếp tục cơ cấu lại DN, xây dựng văn hóa DN, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.

Người đứng đầu Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư. Cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất, tháo gỡ các điểm nghẽn.

Thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Gắn với thực hiện vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế tăng nguồn lực từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện một số quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Đồng thời nghiên cứu các cơ chế như thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh. Có cơ chế để phát triển riêng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác...

10 dự án lớn chậm tiến độ trong nhiều năm
Tổng giá trị đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2022 là 156.494 tỷ đồng. Trong đó, các dự án, ngành năng lượng (điện, than) chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%) với 125.950 tỷ đồng, tiếp đến là các lĩnh vực ngành giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp...

Dù hoạt động đầu tư trong 5 năm qua đạt kết quả bước đầu, nhưng có tới 10 dự án lớn, quan trọng cấp thiết đã chậm tiến độ nhiều năm với tổng mức đầu tư 259.000 tỷ đồng.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhà nước cần đẩy nhanh giải ngân vốn