Ít ai có thể tưởng tượng nổi đó từng là nơi ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội hải quân trong giai đoạn đầu đóng quân trên đảo chìm này.
Khu nhà cao chân trên đảo Đá Đông A được tận dụng làm vườn rau nhưng đã bị bão phá hủy
Nhiều thành viên trong đoàn công tác tò mò trước bãi cọc bê tông cũ nát ở sát cầu tàu - chứng tích còn lại của khu “nhà cao chân” từng được các lính đảo sử dụng trong những năm tháng gian khó khi thực thi chủ quyền biển đảo những năm 80-90 của thế kỷ trước.
Một thời gian khó
Sau khi chiếc xuồng của tàu KN-491 đưa đoàn công tác của tỉnh Hải Dương cùng đoàn của một số bộ, ngành Trung ương cập đảo Đá Đông A, rất nhiều thành viên tò mò vì trước mắt là một bãi cọc bê tông rộng chừng 50 m2. Những chiếc cọc trơ phần cốt thép đã bị gỉ sét theo năm tháng. Phía trên bãi cọc là một sàn ghép gỗ và ghi sắt lổn nhổn.
Đại úy Bùi Duy Việt, Chỉ huy đảo giải thích: Đây là khu nhà cao chân được xây dựng trên các đảo chìm của quần đảo Trường Sa trước kia, là nơi ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu của lính đảo. Sau khi được thay thế bằng các ngôi nhà mới, những ngôi nhà cao chân được lính đảo sử dụng làm vườn trồng rau xanh. "Các năm trước, vườn rau rất xanh tốt, cơ bản cung cấp đủ rau xanh cho bộ đội trên đảo sinh hoạt. Hầu như ngày nào bộ đội cũng có rau luộc ăn. Nhưng hai cơn bão năm ngoái quét qua đảo đã phá hỏng tất cả", đại úy Việt nói.
Buổi sáng, lúc thủy triều lên, bãi cọc lô nhô cách mực nước biển khoảng 1,5 m. Ít ai có thể tưởng tượng nổi đó từng là nơi ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội hải quân trong giai đoạn đầu đóng quân trên đảo chìm này.
Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân - người có thâm niên hơn 30 năm trong lực lượng hải quân và từng công tác nhiều năm trên các điểm đảo ở Trường Sa cho biết khởi đầu từ năm 1988, Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà ở trên các đảo chìm như Đá Đông A làm nơi sinh hoạt cho các cán bộ, chiến sĩ.
Trong điều kiện hết sức khẩn trương trước âm mưu thôn tính, nhòm ngó của nước ngoài, lực lượng hải quân đã nhanh chóng có mặt tại các địa điểm này trên các nhà pông-tông kéo ra từ đất liền. Tuy nhiên, các pông-tông bằng sắt thép không tồn tại được lâu trong môi trường nước mặn. Do vậy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã cho xây dựng nhà cao chân trên các đảo chìm. Công trình bằng gỗ được dựng trên các cọc bê tông cao đóng xuống nền đá san hô và được lợp mái tôn.
Theo đại tá Sơn, bộ đội đóng quân ở các nhà cao chân rất khó khăn, vất vả. Không chỉ là nơi sinh hoạt, mỗi khu nhà cao chân còn là kho chứa đạn dược, lương thực, thực phẩm và nước ngọt. "Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là làm sao đủ nước cho bộ đội. Không có bể chứa lớn, bộ đội phải tích trữ nước bằng can, thùng phuy, thậm chí tận dụng cả chai lọ đựng nước rồi treo, buộc lủng lẳng quanh nhà", đại tá Sơn nhớ lại.
Lúc đó nước còn quý hơn cả gạo, thịt và được giao cho một đồng chí quản lý. Mỗi ngày, người giữ “tay hòm chìa khóa” của cả đảo chỉ “xuất kho” 1 lần, mỗi lần 2-3 lít cho mỗi người và cũng chỉ được sử dụng cho nhu cầu ăn uống. Có khi hết nước, lính đảo phải chia nhau từng ngụm nước cầm cự trong thời gian chờ tiếp viện từ đất liền. Mỗi năm, bộ đội chỉ được tắm nước ngọt khi có mưa. "Lính đảo ngày trước thiếu thốn đủ thứ, ngay cả chiếc quần đùi cũng phải mặc tiết kiệm. Mỗi năm, người lính đảo được phát 2 chiếc. Khi đi bắt cá, lính đảo quấn quần đùi lên cổ, về nhà mới mặc vào", đại tá Sơn chia sẻ.
Khâm phục lính đảo
Sau này, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà kiên cố trên các đảo chìm nên lính đảo đỡ vất vả hơn. Các khu nhà cao chân sau khi hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” được bộ đội tận dụng làm nơi tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hiện chỉ có 3-4 điểm đảo còn lưu giữ được nền móng của các nhà cao chân.
Ông Nguyễn Văn Thoan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, một thành viên trong đoàn công tác rất xúc động khi được chứng kiến những gì còn sót lại của bộ đội Trường Sa từ thuở ban đầu đóng quân trên các đảo chìm. “Các đảo tiền tiêu của chúng ta trải qua thời gian đầu xác lập chủ quyền gian khó. Chính vì vậy, cần tôn tạo các khu nhà cao chân ở các điểm đảo thành những bảo tàng trên biển để nhắc nhở các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những ngày đầu đó và thực thi chủ quyền biển đảo sau này của các thế hệ bộ đội Trường Sa”, ông Thoan kiến nghị.
Đại úy Nguyễn Văn Hùng, Chính trị viên đảo Đá Đông A cho biết thông qua di tích bãi cọc bê tông của nhà cao chân, anh và các đồng đội có thể hình dung được phần nào khó khăn, vất vả của các thế hệ lính đảo đi trước. "Cần giữ nguyên hiện trạng các nhà cao chân, cùng với đó là sưu tập các hình ảnh, kỷ vật để lưu giữ, giáo dục truyền thống cho các thế hệ chiến sĩ công tác sau này trên các đảo chìm", đại úy Hùng nói.
Theo đại tá Nguyễn Công Sơn, hình ảnh các nhà cao chân đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân và Phòng truyền thống Vùng 4 Hải quân. Đại tá Sơn cho biết nếu khôi phục nhà cao chân tại các đảo chìm sẽ rất tốn kém. Do vậy, cần giữ nguyên hiện trạng các chứng tích này để các chiến sĩ trên đảo hiểu thêm rồi kể lại cho các đoàn công tác đến thăm, từ đó lan tỏa đến mọi người dân như một câu chuyện cổ tích về thời kỳ đầu gian khó của bộ đội hải quân đóng trên các đảo chìm.
PHƯƠNG LINH