Góc nhìn

“Ế” tiền

SONG TƯỜNG 14/09/2023 08:30

Chênh lệch dòng tiền vào-ra lớn đang khiến các ngân hàng lâm vào cảnh “ế” tiền.

Toàn bộ hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Đây là câu ví von của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cách đây vài ngày.

Trên phạm vi cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng, từ đầu tháng 4 đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm cao, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, chênh lệch dòng tiền vào-ra ngân hàng lớn. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn thấp.

Tại Hải Dương, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng cuối tháng 8/2023 là gần 182.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, cuối tháng 8/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng hơn 157.000 tỷ đồng, chỉ tăng 3,4% so với cuối năm 2021.

Cùng thời điểm kết thúc tháng 8/2023, tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng trong tỉnh là hơn 125.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cuối năm 2022. Cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ ngành ngân hàng Hải Dương gần 122.000 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cuối năm 2021.

Với số liệu này, cơ bản tổng dư nợ tín dụng cuối tháng 8 của cả năm nay và năm trước ở mức tương đương, trong khi dòng tiền chảy vào ngân hàng có mức chênh lệch lớn.

Mức tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ riêng tại Hải Dương mà trên phạm vi cả nước, thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do vậy, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Giai đoạn quý IV/2022, tình trạng sụt giảm các đơn hàng đầu ra khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh điêu đứng. Sau một thời gian thích ứng, từ việc cắt giảm lao động, tìm kiếm thị trường mới, song đến nay khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp có thể nói vẫn chưa phục hồi. Vì vậy, doanh nghiệp hạn chế vay ngân hàng là điều dễ hiểu. Tương tự, nhu cầu vay vốn tiêu dùng hoặc mở rộng kinh doanh của người dân, hộ kinh doanh cũng không cao như trước.

Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng chưa sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai cũng kéo giảm nhu cầu vốn vào lĩnh vực này.

Còn nhớ năm trước có thời điểm doanh nghiệp muốn vay tiền đến mức cạn cả room (hạn mức tăng trưởng) tín dụng. Năm nay, room còn rộng. Thực tế, doanh nghiệp hiện chia thành 2 nhóm. Một là nhóm các doanh nghiệp khó khăn, nhưng cái vướng của họ là ở thị trường đầu ra. Những doanh nghiệp nhóm này cơ bản chưa phát sinh nhu cầu vay vốn, bởi họ phải tìm cách khơi thông thị trường. Nhóm còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này dù muốn vay vốn nhưng thiếu điều kiện. Đã là doanh nghiệp nhỏ thì rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Quy mô doanh nghiệp cũng không đáp ứng được một số tiêu chí, nhất là điểm tín dụng để ngân hàng cho vay tín chấp.

Các ngân hàng cần rà soát, mở rộng các kênh bán hàng, liên kết với đối tác; thiết kế, xây dựng gói tín dụng đặc thù phù hợp từng đối tượng khách hàng, từng nhóm ngành nghề, nhất là nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ. Từ đó có cơ sở đáp ứng nhu cầu vốn vay ngân hàng.

Nên chăng các ngân hàng áp dụng linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm theo một số tiêu chí nhất định, có thể cho vay theo chuỗi cung ứng dựa trên uy tín và mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Tất nhiên, ngân hàng cũng khó có thể hạ chuẩn, giảm điều kiện cho vay bởi áp lực quản trị rủi ro, trích lập dự phòng cũng như tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu.

Nhiều chuyên gia nhận định với quy định có thể vay ngân hàng này trả ngân hàng kia theo Thông tư 06, các ngân hàng sẽ tạo ra cuộc chạy đua về lãi suất để thu hút khách hàng của nhau.

SONG TƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Ế” tiền