Tháng Công nhân hằng năm là dịp để các cấp công đoàn tăng cường chăm lo cho công nhân, người lao động; thực sự là ngày hội lớn được công nhân náo nức mong chờ.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Đây cũng là dịp để lãnh đạo công đoàn các cấp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ công nhân lao động; nắm rõ thực trạng quan hệ lao động, để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, nhằm xây dựng chế độ, chính sách tốt hơn cho người lao động.
Tháng Công nhân năm 2020 có chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”. Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp tổ chức những hoạt động cụ thể, thiết thực cho công nhân, đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người lao động sau dịch COVID-19.
Sát cánh cùng người lao động
Tháng Công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, được tổ chức trên toàn quốc vào tháng 5 hàng năm, bắt đầu từ năm 2013 với mục tiêu từng bước chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Những nội dung như tuyên truyền về chính sách, pháp luật, tổ chức gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, thăm hỏi công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tai nạn lao động... được triển khai sâu rộng trong Tháng Công nhân, người lao động trên cả nước nhiệt tình hưởng ứng.
Những hoạt động trong Tháng Công nhân đã giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đến gần với nhau hơn. Người sử dụng lao động thông qua đối thoại đã nắm được nhu cầu, mong muốn cũng như điều kiện, hoàn cảnh của công nhân để đưa ra những chính sách, chế độ phù hợp hơn. Người lao động cũng hiểu biết hơn về pháp luật, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để có sự cảm thông, chia sẻ, gắn bó trong công việc.
Sau 7 năm tổ chức, Tháng Công nhân đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong hầu hết đoàn viên công đoàn và người lao động trên cả nước. Đây chính là nền tảng để phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động đối với người lao động, giúp cho tinh thần Tháng Công nhân ngày càng lan tỏa vào đời sống công nhân, người lao động, cũng như các tầng lớp xã hội.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, sau 7 năm tổ chức Tháng Công nhân (2013-2019), công đoàn các cấp đã tổ chức tuyên truyền hơn 200.000 cuộc cho trên 10 triệu lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động trên cả nước; trên 600.000 công nhân, viên chức lao động được thăm hỏi, tặng quà với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng...
Cùng người lao động vượt qua đại dịch
Sau 3 tháng chống lại sự lây lan của dịch COVID-19, các cấp công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người lao động trên cả nước. Dù kết quả bước đầu đang rất khả quan nhưng nguy cơ vẫn còn lớn, tổ chức công đoàn đã xây dựng Kế hoạch Tháng Công nhân năm 2020 với nhiều nội dung được thay đổi, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo sức khỏe cũng như thu nhập cho người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải: Tháng Công nhân năm nay sẽ là biểu hiện sinh động của trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của tổ chức công đoàn để cùng người sử dụng lao động ổn định việc làm, chăm lo cuộc sống của người lao động. Theo đó, các hoạt động của Tháng Công nhân cần chuyển từ bề nổi sang những hoạt động có chiều sâu; có những giải pháp để ổn định tư tưởng của người lao động, giúp người lao động có tâm thế sẵn sàng chia sẻ những khó khăn đối với doanh nghiệp; đồng tình với cách bố trí lại lao động do tác động của dịch COVID-19.
Các cấp công đoàn nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ triển khai thực hiện Tháng Công nhân năm 2020 theo chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”. Trong đó, tổ chức công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động; nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc giám sát người sử dụng lao động khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn...
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 300 khu công nghiệp với hàng triệu công nhân lao động đang làm việc tập trung - một trong những môi trường có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, ngay từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn coi việc bảo vệ người lao động là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Với mục tiêu không để người lao động mắc COVID-19, công đoàn các cấp đã thường xuyên đồng hành cùng công nhân, người lao động trong mọi hoàn cảnh, bảo đảm an toàn môi trường làm việc, cũng như điều kiện sinh hoạt.
Tổ chức công đoàn đã xây dựng nhiều kế hoạch với mục tiêu hướng đến người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho phép các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh đến ngày 30.6.2022 (doanh nghiệp có trên 50% lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc). Nếu sau thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31.12.2020.
Gần đây nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn gửi Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng Công ty, yêu cầu bố trí nguồn để chi các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn của công đoàn cơ sở, nhằm tiếp tục tham gia phòng, chống dịch COVID-19, làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.
Duy trì đội ngũ lao động lành nghề
Bên cạnh việc đối phó với dịch bệnh, Công đoàn Việt Nam thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành liên quan duy trì các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, phát triển đội ngũ công nhân ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Có thể thấy, những năm gần đây, hoạt động của Công đoàn Việt Nam đã có những bước tiến mới, quan trọng, mang tính đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy việc chăm lo các lợi ích cho đoàn viên công đoàn, người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người lao động và người sử dụng lao động.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đối với Thủ đô Hà Nội, công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động vẫn đang và sẽ là những mục tiêu hàng đầu, không chỉ bảo đảm nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế, mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, nhằm nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động, những năm qua, công đoàn cơ sở cùng với lãnh đạo doanh nghiệp, các bộ phận chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề cho công nhân. Không ít tập đoàn, doanh nghiệp đã coi trọng việc tiếp thu công nghệ tiên tiến của những nước phát triển, cử những công nhân có tay nghề giỏi đi tu nghiệp ở nước ngoài.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong Tháng Công nhân năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức khảo sát trực tuyến và nghiên cứu tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn. Thông qua kết quả nghiên cứu để đề xuất các kiến nghị, giải pháp tham mưu các chính sách ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ người lao động; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết được những vấn đề đặt ra đối với vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới...
Theo TTXVN