Theo điều tra của cảnh sát Pháp, bọn đưa người di cư bất hợp pháp dính líu tới nhiều loại hình tội phạm khác như làm giấy tờ giả, buôn ma túy, đánh bạc trái phép, trộm cướp.
Cảnh sát Pháp bắt giữ bọn đưa người di cư bất hợp pháp vào Pháp. Ảnh: AFP
Một chiều thứ tư trong tuần, hai sĩ quan cảnh sát tư pháp Stéphane S. và Mélanie M. rời trụ sở Cơ quan Trấn áp nhập cư bất hợp pháp và sử dụng lao động nước ngoài không giấy tờ (OCRIEST) hòa vào dòng xe đông đúc ở Paris.
Điểm đến của họ là khu "tam giác vàng" quận 8. Mục tiêu là điều tra một công dân châu Phi nào đó bị nghi ngờ tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp và làm giấy tờ giả. Công việc của họ là điều tra sơ bộ về tư pháp, còn đối tượng là tên cầm đầu đường dây hay chỉ là trạm trung chuyển sẽ được điều tra sau.
Liên tục đổi điện thoại, thẻ SIM
Trao đổi với nhà báo Pháp Antoine Peillon (báo La Croix), hai sĩ quan OCRIEST đánh giá hiện nay bọn buôn người tại Pháp đã chuyển từ tội phạm "thủ công" sang tội phạm "có tổ chức trên quy mô quốc tế". Các hoạt động tội phạm khác có liên quan đến chúng gồm có làm giấy tờ giả, mua bán ma túy, đánh bạc trái phép, trộm cướp...
Tại trụ sở OCRIEST, nữ sĩ quan chỉ huy Cécile L. khẳng định: "Đằng sau tội ác này là các nạn nhân gồm hàng ngàn người di cư sống trong điều kiện cơ cực. Chúng tôi tin chắc nạn buôn người di cư bất hợp pháp sẽ còn phát triển nhiều trong những năm tới". Chính từ thực tế quan sát hằng ngày nên sĩ quan chỉ huy Cécile L. mới lo ngại như thế.
Bọn tội phạm châu Phi đưa phụ nữ vùng Hạ Sahara đến Pháp hành nghề mại dâm trong khách sạn. Băng đảng người Trung Quốc lại sẵn sàng thanh toán để lưu thông tiền buôn ma túy và kinh doanh mại dâm giữa châu Á với châu Âu.
Bọn buôn lậu người Kurd Iraq câu kết với các tài xế Ba Lan để đưa người Việt Nam sang Anh. Bọn làm giấy tờ giả "sản xuất" hàng đống giấy tờ mang tên giả hoặc tên người khác và chuyển giấy tờ từ Pháp sang Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý. Tất cả các khâu trong đường dây ngày càng hoạt động cơ động. Chúng không hề giữ trong người điện thoại di động hoặc thẻ SIM nào quá ba ngày.
Chỉ huy trưởng cảnh sát Julien Gentile chỉ đạo Đơn vị điều phối đấu tranh chống buôn người và bóc lột người di cư (UCOLTEM) nhận xét: "Dùng cụm từ "bọn đưa người" là cách nói tắt. Trên thực tế hoạt động này liên quan đến nhiều tổ chức phức tạp không chỉ đưa người di cư vượt biên bất hợp pháp, mà còn sản xuất và cung cấp giấy tờ giả, đồng thời bóc lột lao động người nhập cư bất hợp pháp".
Chúng là "đường dây tội phạm"
Ông Julien Gentile giải thích: "Cảnh sát đã lập danh mục nhiều loại đưa người. Đó có thể là tên thất nghiệp ở tỉnh Alpes-Maritimes đưa đường qua biên giới từ Pháp sang Ý bằng xe riêng để lấy 30-40 euro. Đó cũng có thể là đám dân quân vũ trang Libya thuê tàu chở hàng vượt Địa Trung Hải, hoặc các băng nhóm người Việt Nam thích đi đường hàng không".
Đây là lý do OCRIEST và cảnh sát biên giới Pháp thích dùng thuật ngữ "đường dây tội phạm" thay vì "bọn đưa người". Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng đã phác thảo "bản đồ chi tiết các hành vi phạm tội" của các đường dây đưa người ở Pháp. Bản đồ này đưa ra hai kết luận.
Một là, trong hành trình đưa người, tất cả những người có mục tiêu quá cảnh ở Pháp hoặc ở lại Pháp bất hợp pháp đều liên quan đến đường dây tội phạm nào đó. Hầu như quy tắc này không có ngoại lệ.
Hai là, các đường dây đưa người di cư chuyển dịch theo hướng từ nam sang bắc. Theo quan sát nhiều năm, các đường dây tạo ra yếu tố riêng để định hướng dòng chảy người di cư. Chúng khuyến khích người di cư ra đi bằng cách bảo đảm có các cấu trúc dọc hành trình giúp đi đến đích.
Chỉ huy trưởng cảnh sát Julien Gentile nhấn mạnh: "Cảnh sát tư pháp chúng tôi chống bọn buôn người, và những kẻ có thái độ bất cần bằng cách chấp nhận cho rủi ro xảy đến với người di cư bị chất đống trên xe tải như cỗ quan tài di động".
Cảnh sát Pháp đã phân tích thực tế và đưa ra định nghĩa về hoạt động đưa người là "các nhóm xuyên quốc gia có tổ chức, có phân cấp, hoạt động độc lập, giúp người di cư bất hợp pháp đi từ nước này sang nước khác hoặc lưu lại bất thường để lấy tiền công". |
Theo Tuổi trẻ