Đừng quên phạt nguội!

01/11/2022 15:07

Làm thế nào để không tái diễn việc cảnh sát giao thông bị người vi phạm tấn công?

Gần đây, vụ việc một ông bố vì xin không xử lý lỗi vi phạm giao thông cho con không được đã rút dao chém cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương đang làm nhiệm vụ khiến dư luận xôn xao. Kẻ gây án đã bị bắt và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Vấn đề là, làm thế nào để hiện tượng này không còn tái diễn?

Chuyện cảnh sát giao thông bị người vi phạm tấn công không phải hiếm. Có người bị tông xe, hất lên nắp ca-pô, người bị đánh… Thậm chí có cảnh sát giao thông đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trước mỗi vụ việc như thế, nhiều người đồng cảm, chia sẻ với những vất vả, nguy hiểm của nghề cảnh sát giao thông, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, những vụ việc đau lòng như vậy sẽ không xảy ra nếu như lực lượng cảnh sát giao thông không quá coi trọng việc xuống đường xử lý vi phạm.


Đối tượng cùng tang vật một vụ chống lại người thi hành công vụ tại cơ quan điều tra

Những người theo quan điểm này đưa dẫn chứng, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, rất ít khi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông đứng ở đường để xử lý vi phạm như ở ta. Các vi phạm chủ yếu được xử phạt nguội. Cũng không cần phải ra nước ngoài, ngay ở trong nước thì việc xử lý vi phạm trên đường của cảnh sát giao thông các tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung cũng ít hơn miền Bắc và ít hơn hẳn ở Hải Dương. Đáng nói là dù lực lượng cảnh sát giao thông ít “xuống đường” nhưng việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ ở những tỉnh này cũng không kém hơn.

Tại Hải Dương, mấy năm trước, cảnh sát giao thông được ví như một “đặc sản” địa phương, là nỗi e ngại của nhiều lái xe khi qua đây. Không ít người bức xúc với cách xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông tỉnh. Lãnh đạo Công an tỉnh đã phải chỉ đạo, chấn chỉnh những việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cảnh sát giao thông và tình hình đã có chuyển biến tích cực.

Thế  nhưng vi phạm pháp luật về giao thông hiện vẫn khá nhiều. Từ việc người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi xe lạng lách, đánh võng, chở quá tải trọng, cơi nới thành thùng xe… đến lấn chiếm lòng đường, lề đường, đâu cũng có vi phạm. Có vi phạm thì phải có xử lý và mâu thuẫn giữa người vi phạm với người xử lý vi phạm là khó tránh.

Xử lý vi phạm giao thông bằng hình thức phạt nguội được xem là giải pháp hiệu quả để tránh những xung đột này. Nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh để tăng cường việc xử lý qua hình ảnh. Từ ngày 26.3, TP Hải Dương cũng đã triển khai hình thức phạt nguội và đến đầu tháng 10 đã có 74 trường hợp vi phạm bị phạt nguội với các lỗi vi phạm chủ yếu là không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, dừng đỗ không đúng quy định, đi sai làn đường, ngược chiều... 

Tuy nhiên, con số này khá khiêm tốn so với các vi phạm. Thực tế việc xử phạt nguội đang vấp phải khó khăn do chưa có hạ tầng, phương tiện đồng bộ; việc xác định cơ chế vận hành hệ thống camera giao thông thông minh… Trong khi đó, người tham gia giao thông cũng vẫn tìm nhiều cách để tránh khu vực có camera như che biển kiểm soát…

Đối với nhiều người hiện nay, chỉ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông thôi chưa đủ nên xử phạt nghiêm sẽ có tác dụng răn đe. Tuy nhiên, để không tái diễn việc cảnh sát bị tấn công khi xử lý vi phạm giao thông trực tiếp; không còn cảnh vì đuổi bắt người vi phạm mà gặp tai nạn hay những tiêu cực, những hình ảnh không đẹp khác từ việc xử lý vi phạm giao thông thì tăng cường phạt nguội vẫn là biện pháp cần thiết. Việc làm trước mắt là sớm giải quyết những vướng mắc đang cản trở việc phạt nguội, tránh lãng phí hệ thống đã lắp đặt và bắt kịp tiến trình ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động của xã hội.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng quên phạt nguội!