Đừng ai để bị lừa như tôi!

10/03/2023 17:11

Đó là chia sẻ của một phụ huynh bị lừa mất tiền khi nhận cuộc gọi "con bị chấn thương sọ não và đang cấp cứu ở bệnh viện".


Những cuộc gọi lừa đảo báo con đi cấp cứu khiến phụ huynh hoảng loạn, nhiều người đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo để con được phẫu thuật - Ảnh minh họa: Getty

Thật khó tin khi nhiều phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua lại mất hàng trăm triệu đồng vì dính phải màn kịch lừa đảo như vậy. Màn kịch đó được dựng như thế nào mà khiến nhiều ông bố, bà mẹ choáng váng đến mụ mẫm đầu óc, ngay lập tức chuyển khoản mà quên kiểm tra những thông tin cơ bản?

Là một trong vô số nạn nhân, chị Đ.H., phụ huynh có con học tại một trường ở TP Hồ Chí Minh, cho biết chị đã vô cùng lo lắng, hoảng loạn khi nhận được cuộc gọi thông báo về tình hình sức khỏe của con ngày 6.3.

"Lúc khoảng 9 giờ sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại đầy nước mắt của một phụ nữ. Người này vừa khóc vừa nói: "Chị ơi, chị là phụ huynh bé A., đúng không ạ? Em là cô giáo ở trường, bé bị ngã trong lúc chơi, bị chấn thương sọ não, đang hôn mê. Em đưa bé vào Chợ Rẫy, đang ở phòng cấp cứu, chị nói chuyện với bác sĩ nha chị. Chị tới liền nha chị, em run quá em không biết làm sao cả". 

Ngay sau đó, điện thoại bên kia được chuyển cho một giọng nam đóng là "bác sĩ" nói chuyện với chị H.: "Tôi là bác sĩ, bé nhà chị ngã hiện đang hôn mê, chúng tôi đang đưa vô phòng mổ, cháu té như thế nào tôi chưa rõ, anh chị lên gấp phòng cấp cứu". Chân tay tôi như rụng rời, chỉ biết nói là sẽ tới liền.

Lúc này "cô giáo" tiếp tục khóc lóc: Chị ơi, bác sĩ nói phải mổ gấp, bây giờ làm sao chị? Không mổ kịp là chết não, chị tới liền giúp em với, bây giờ em đang đứng ở thu ngân, bác sĩ yêu cầu ký giấy mổ và tạm ứng mà em không có mang tiền" - chị H. kể lại.

Chị H. cho biết trong tâm lý hoảng loạn, chị hỏi "cô giáo" cần tạm ứng bao nhiêu tiền, nhắn số tài khoản. Giọng nữ lúc này dập máy nhắn số tài khoản liền. Sau đó, máy được chuyển cho một người nữ được giới thiệu là người thu ngân của bệnh viện và chị Đ.H. được thông báo chuyển khoản 50 triệu đồng.

May thay, lúc sắp bấm chuyển khoản, chị định thần lại và gọi cho cô giáo chủ nhiệm thì được biết con chị không sao hết, nên hồn phách chị quay về và chị biết mình vừa suýt bị lừa trong một tình huống "tim như muốn rớt ra ngoài".

Nhưng nhiều người không may mắn như chị Đ.H.. Có thể kể đến là hai phụ huynh của Trường Việt Úc bị lừa ngày 3.3. Rồi ngày 6.3, thêm phụ huynh nữa bị lừa với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau khi nhiều phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh nhận cuộc gọi và mất hàng trăm triệu đồng vào những tài khoản lừa đảo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo khẩn yêu cầu nhà trường công khai cung cấp đường dây nóng.

Những vị phụ huynh đã mất tiền nói trên cảnh báo rằng để đừng mất tiền và bị lừa như họ, trước tiên phụ huynh phải luôn giữ bình tĩnh khi có cuộc gọi báo liên quan đến sức khỏe học sinh và nắm rõ việc thông báo những trường hợp khẩn cấp từ trường thường không thể đến từ số điện thoại lạ. 

Trong bối cảnh nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý hoang mang của phụ huynh về sức khỏe con cái, phụ huynh càng cần kết nối tốt hơn với nhà trường. Chỉ cần một cuộc điện thoại của phụ huynh đến giáo viên chủ nhiệm của con hoặc đến điện thoại đường dây nóng của trường hoặc tương tác ngay với nhóm phụ huynh lớp thì mọi cuộc lừa đảo đều không thể thực hiện được.

Hãy làm những người cha người mẹ lo cho con một cách thông thái bằng cách giữ kết nối với các kênh liên lạc của lớp con, trường con một cách thông suốt, liên tục để những trò lừa đảo chỉ còn là trò lố vô nghĩa của những kẻ xấu.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng ai để bị lừa như tôi!