Pháp luật

Cuộc gọi lừa đảo vẫn hoành hành ở nông thôn

PV 15/11/2023 11:20

Thời gian gần đây, cuộc gọi lừa đảo với nhiều hình thức tinh vi vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là khu vực nông thôn. Tại Hải Dương đã có người mất tiền hoặc suýt mất hàng trăm triệu đồng.

00:00

phattoroi111.jpg
Công an huyện Gia Lộc phát tờ rơi cảnh báo các thủ đoạn gọi điện lừa đảo để người dân phòng tránh. Ảnh: Hoàng Đạt

Nhiều kiểu lừa

Tháng 6/2023, bà P.T.N., sinh năm 1971, ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) bị 2 đối tượng lạ mời kết bạn qua Zalo, giả mạo công an gọi điện nói rằng bà thuộc diện nghi vấn trong đường dây buôn người sang nước ngoài và buôn bán ma túy. Các đối tượng còn dọa gửi lệnh bắt bà N., đồng thời yêu cầu bà N. nộp tiền vào tài khoản của đối tượng để giúp bà tại ngoại. "Mặc dù tôi nói không liên quan đến những hành vi trên nhưng các đối tượng liên tục gọi điện để ép tôi. Trong video họ mặc quần áo công an khiến tôi sợ hãi, thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản của họ để giúp tôi thoát tội với tổng số tiền 195 triệu đồng. Vài ngày sau không thấy họ đến nhà trả lại tiền như đã hẹn, tôi gọi Zalo cho họ thì không liên lạc được", bà N. cho biết.

Bằng thủ đoạn tương tự, tháng 10 vừa qua, ông T., cán bộ nghỉ hưu ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cũng bị các đối tượng giả mạo Công an TP Hà Nội gọi điện lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng.

May mắn hơn ông T., bà N., gần đây nhất có 4 người ở Gia Lộc, 1 người ở Bình Giang đã được lực lượng công an và nhân viên ngân hàng phát hiện, ngăn chặn kịp thời trước khi những người này chuyển tiền cho các đối tượng gọi điện lừa đảo. Người nhiều nhất suýt mất 650 triệu đồng.

Không chỉ bị gọi điện lừa đảo dính líu đến phạm pháp hình sự, người dân ở các vùng quê cũng nhận được nhiều cuộc gọi mạo danh các tổ chức mời làm "việc nhẹ lương cao", đầu tư bất động sản, chứng khoán...

Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Long Xuyên (Bình Giang) cho biết: "Mới đây, tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ giới thiệu app giao dịch chứng khoán. Người này nói sẽ có chuyên gia tư vấn đặt lệnh giao dịch và cam kết có lãi, tôi chỉ cần mở tài khoản, nạp một khoản tiền làm vốn. Số tiền đầu tư càng lớn, tỷ lệ lãi suất càng cao. Biết đây là hình thức lừa đảo nên tôi không tham gia, chặn số điện thoại này".

Hoạt động mua sắm trực tuyến, mở nhiều tài khoản ngân hàng, thanh toán không tiền mặt cũng tạo kẽ hở để tội phạm lừa đảo lợi dụng. Các đối tượng lừa đảo cũng chuyển hướng nhắm đến khu vực nông thôn vì nhận thức về các hành vi lừa đảo và ý thức bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội của người dân ở đây còn hạn chế.

1simrac111.jpg
Nhiều đại lý, cửa hàng điện thoại trong tỉnh vẫn bán SIM "rác" cho khách

Chưa dứt SIM "rác"

Người dùng vẫn bị cuộc gọi lừa đảo, làm phiền vì việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động chưa giải quyết hoàn toàn vấn nạn SIM "rác". Nhiều SIM "rác" được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác và khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn có thể dùng bình thường.

Mặc dù các nhà mạng đã dừng bán SIM qua đại lý từ ngày 10/9 vừa qua, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động mua bán SIM "rác" ở các địa phương trong tỉnh vẫn khá phổ biến. Ngày 9/11, tại một cửa hàng bán điện thoại trên đường Nguyễn Chế Nghĩa (thị trấn Gia Lộc), khách hàng dễ dàng mua được SIM "rác" đã kích hoạt sẵn giá 60.000 đồng/SIM, tài khoản 0 đồng, nạp tiền vào liên lạc được ngay. Chủ cửa hàng này nói chỉ cần phát sinh cuộc gọi SIM sẽ không bị khóa. Nếu khách có nhu cầu, chủ cửa hàng cũng sẽ đăng ký thuê bao chính chủ cho khách bằng căn cước công dân.

Trước thực trạng này, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang phối hợp với các nhà mạng để kiểm tra, làm rõ và bảo đảm việc dừng bán SIM tại đại lý. Đầu tháng 11 này, Cục Viễn thông thông báo dừng thử nghiệm triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động bằng hình thức online.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tiên phong định danh cuộc gọi nhằm hạn chế tình trạng gọi điện mạo danh các cơ quan, tổ chức. Theo đó, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc bộ này đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, việc định danh cuộc gọi cần được nhân rộng ra nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước.

Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho biết sở đang tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo mới của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thông qua các lớp tập huấn chuyển đổi số tại các địa phương trong tỉnh tuyên truyền phòng chống các cuộc gọi lừa đảo cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, khu dân cư.

Ngoài tích cực đấu tranh, triệt phá các tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phát tờ rơi cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, trong đó nhấn mạnh cơ quan nhà nước không xử lý vụ việc qua điện thoại để người dân biết. Liên kết với nhà mạng gửi tin nhắn thông báo các hình thức lừa đảo, đặt biển cảnh báo tại các phòng giao dịch ngân hàng để người dân nâng cao cảnh giác trước khi thực hiện giao dịch, chuyển tiền.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc gọi lừa đảo vẫn hoành hành ở nông thôn