Nói đến cung cách làm giàu, ở đây không thấy ai khoe rằng nhà có người thân đi nước ngoài, làm Ô sin gửi tiền về xây nhà, tậu xe.
Những cánh đồng cà rốt mang lại ấm no cho người dân Đức Chính. Ảnh: THÀNH CHUNG
Ở đây, họ làm giàu từ xây dựng nông thôn mới trên đồng đất quê mình. Màu vàng củ cà rốt, sắc đỏ thắm quả dưa hấu, vị mát ngọt của bắp ngô... mang đến no ấm, giàu sang cho người dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng).
Về đích sớm
Năm 2011, ngọn gió xây dựng nông thôn mới (NTM) thổi về đồng quê Đức Chính, mang theo nhiều niềm vui náo nức và cả nỗi trăn trở, âu lo, toan tính của con người. Xã xây dựng mục tiêu trong 5 năm 2011- 2015 phải hoàn thành 19 tiêu chí.
Thế là toàn hệ thống chính trị nhanh chóng vào cuộc. Người năng động kiệm cần, đất vặn mình dâng hiến… Chỉ 4 năm sau, Đức Chính đã bứt phá trên chặng đường đầy gian nan, về đích sớm, là một trong hai xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Cẩm Giàng, đứng trong số 13 xã của tỉnh được vinh danh.
Được hưởng lợi từ kết quả xây dựng NTM, 5 năm qua, người dân Đức Chính hiểu rằng họ đã biết hy sinh quyền lợi nhỏ để tạo thành lợi ích lớn cho làng xã, cộng đồng.
Họ hiến tặng 6.200 m2 đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Diện mạo làng quê đổi thay, sản phẩm hoa màu đa dạng. Mức thu nhập tăng lên, đời sống nông dân sung túc. Trước đây, thu nhập bình quân đầu người trong xã là 13 triệu đồng/năm.
Khi đạt chuẩn NTM, vụt lên gấp đôi với 26,5 triệu đồng/người. Còn bây giờ đã là 62,43 triệu đồng/người. Thế là vượt con số của tỉnh quy định rằng đối với xã NTM nâng cao, mỗi người dân phải có thu nhập bình quân 55 triệu đồng/năm.
Là một xã thuần nông, Đức Chính có truyền thống anh hùng, lịch sử, văn hóa lâu đời làm nền tảng. Thiên nhiên ưu đãi, có nước ngọt phù sa, con người cần cù chịu khó, đất thao thức sinh sôi để trả ơn người. Trong phong trào xây dựng NTM, xã đã đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào ruộng đồng, trong đó có cây cà rốt.
Lại nói từ những năm 80 của thế kỷ trước, cây cà rốt đã xuất hiện trên đồng ruộng Đức Chính. Thời ấy chẳng mấy ai để ý đến loài củ nhiều mấu, vỏ sần sùi, năng suất chỉ đạt 1 tấn/sào.
Phải đến năm 2008, loại cà rốt Nhật len vào, với nhiều ưu điểm như củ to, màu đẹp và năng suất gấp đôi, nông dân đã thu hẹp diện tích lúa từ 219 ha, xuống còn 80 ha. Cây cà rốt đã đóng góp 25% tổng thu nhập của xã hằng năm. Thu nhập từ cà rốt và dưa hấu mỗi năm đạt từ 150-200 tỷ đồng, đưa giá trị gieo trồng toàn xã lên từ 300-350 triệu đồng/ha/năm.
Những người thích làm giàu
Đã có kinh nghiệm gần 40 năm, người Đức Chính muốn làm giàu từ cây cà rốt. Nhưng xã lại thiếu đất, người dân phải đi thuê ở nơi khác để canh tác. Họ tìm đến tận Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam chọn vùng bãi sông phù sa màu mỡ thuê đất. Thật kinh ngạc, toàn xã có hơn 2.200 hộ, mà gần 300 hộ đi thuê đất làm ăn.
Diện tích trồng ở đồng nhà là hơn 300 ha, thuê ngoài gấp 3 lần, hơn 1.000 ha. Bà Nguyễn Thị Oanh ở làng Lôi Xá thuê 20 ha đất, kết quả thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm. Có người sẵn sàng thuê 5 năm liền, tiền trả trước một lần với giá từ 1,5-3 triệu đồng/sào.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn An Phú đi thuê đất, có năm thu về 1,3 tỷ đồng. Sản lượng gieo trồng trên đồng nhà chỉ thu được 12.000 -18.000 tấn/ năm, đi thuê đất gieo trồng lại gấp 2,5 lần. Canh tác trên mảnh đất ông cha, họ là nông dân, bây giờ ra ngoài bỗng thành ông chủ. Trong số đó có cả những người từng làm trưởng thôn, bí thư chi bộ.
Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Cà rốt Đức Chính”. Những lô hàng ùn ùn xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia…
Hình ảnh củ cà rốt và cách làm sáng tạo của nông dân Đức Chính như được chắp cánh bay xa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của trung ương đã về tận nơi thăm và khích lệ nông dân.
Không lãng mạn như xứ sở tam giác mạch vùng cao, không mộng mơ như vương quốc hoa Đà Lạt, củ cà rốt Đức Chính vàng rộm, dân dã mà thành thương hiệu, vẫy gọi khách tìm về. Mùa thu hoạch, trên cánh đồng mênh mông, thăm thẳm ra tận mép sông Thái Bình, rực lên màu da cam và phơi phới màu xanh diệp lục.
Đôi bạn trẻ trước ngày cưới rủ nhau về đây đứng giữa cánh đồng cà rốt chụp hình kỷ niệm. Một tốp trẻ con từ Hà Nội, được cha mẹ hỏi thăm đường về, cho ra giữa cánh đồng để vui chơi, trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Phía đằng xa, một khách du lịch người Nga tò mò cầm củ cà rốt chùi vào tờ giấy báo, rồi đưa lên miệng nhai một cách ngon lành...
Những ngày này trên cánh đồng Đức Chính đầy âm thanh và màu sắc, giống như bức họa.
Không có điểm cuối cùng
Bây giờ bước tiếp trên con đường NTM nâng cao, xã Đức Chính hội đủ niềm vui và khát vọng. Đó là khát vọng làm giàu, chứa chất nhiều tiềm năng: đất tích tụ, người kiệm cần năng động, đã trải nghiệm thương trường. Đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết với 80% có trình độ đại học. Thật hi hữu, ở đây Bí thư Đảng ủy là thạc sĩ, Chủ tịch UBND xã có chuyên môn ngành luật...
Thuận lợi là thế nhưng phía trước còn nhiều trăn trở. Làm cách nào giữ “an ninh” cho thương hiệu "Cà rốt Đức Chính" khi quá trình sản xuất phải thuê đất bên ngoài? Đã đến lúc không chỉ bán củ tươi, mà cần công nghệ chế biến, xuất khẩu, thu về những đồng tiền khôn...
Thay thế quy trình thu hoạch thủ công bằng cơ giới và áp dụng biện pháp tưới cây hiện đại để giải phóng sức lao động, tiết kiệm nước, nâng cao lợi nhuận.
Thu nhập là thước đo quan trọng trong mô hình NTM nâng cao. NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm cuối cùng. Đến năm 2025, Đức Chính phấn đấu thu nhập trên 75 triệu đồng/người.
Chặng đường trước Đức Chính chạy tăng tốc để sớm về đích thì bây giờ họ lại cần những bước đi chắc chắn, tới mục tiêu dân giàu, xã mạnh một cách vững bền.
THIÊN GIA TRANG