Vào mùa xuân, Hải Dương có nhiều lễ hội diễn ra tại các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Nhiều mặt hàng được bày bán tại lễ hội, song có ít sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP trưng bày tại Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại được tổ chức tại khu trải nghiệm của di tích Côn Sơn
Về trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, tôi rất ấn tượng với Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại được tổ chức tại khu trải nghiệm của di tích Côn Sơn. Lần đầu chương trình được tổ chức, dù chỉ có 18 gian hàng nhưng khu vực này vẫn rất hấp dẫn du khách vì bày bán nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP của 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Phần đông du khách hứng thú tìm hiểu, mua hàng về làm quà, thậm chí có khách tỉnh ngoài còn nghiên cứu sẽ hợp tác để đưa về quê kinh doanh. Một số sản phẩm OCOP vì vậy đã được quảng bá rộng rãi hơn, có cơ hội chắp cánh vươn xa.
Tôi nhớ tháng 7.2022, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng lần đầu tổ chức Tuần văn hóa trà sen Kiếp Bạc. Thời điểm đó không phải mùa lễ hội nhưng chỉ qua một sự kiện đã thu hút khoảng 5.000 du khách từ khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm. Rất nhiều sản phẩm, các mặt hàng đã được tiêu thụ trong dịp ấy.
Tuy nhiên, ngoại trừ di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thì hầu hết khu vực kinh doanh, trải nghiệm tại các di tích nổi tiếng ở Hải Dương như đền Bia, đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền Cao An Phụ, đền Tranh… vẫn vắng bóng sản phẩm OCOP. Nhiều mặt hàng được bày bán nhưng chủ yếu là bánh kẹo, đồ ăn vặt, một vài nông sản địa phương, trò chơi dành cho trẻ em.
Mấy năm gần đây, cảnh quan tại nhiều di tích trong tỉnh được quan tâm cải tạo, không gian thoáng đãng. Các di tích đều quy hoạch được khu bán hàng phục vụ du khách. Vậy tại sao các địa phương chưa quan tâm đưa sản phẩm OCOP vào những khu vực này để quảng bá, giới thiệu?
Đến Gia Lai một vài lần, tôi thấy tỉnh này cũng có một số lễ hội lớn như Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai. Một số điểm du lịch như Biển Hồ, đồi cỏ hồng thu hút du khách khá đông. Gia Lai đã tận dụng những hoạt động này để quảng bá các sản phẩm OCOP của mình. Họ cho dựng hàng chục gian hàng bày bán các sản phẩm đã được gắn sao OCOP như cà phê, hồ tiêu, mật ong, thịt bò khô, măng khô, mắc ca, cao đinh lăng, đông trùng hạ thảo… Du khách thích thú trải nghiệm, mua sắm, đồng nghĩa với việc các sản phẩm OCOP của tỉnh này được tạo đà vươn xa.
Hải Dương không thiếu mặt hàng đặc trưng. Toàn tỉnh đã có 226 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm Queen Thanh Ha Lychee và bánh đậu xanh Hoàng Gia tiềm năng đạt 5 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao và 137 sản phẩm 3 sao). Địa phương nào trong tỉnh cũng có sản phẩm OCOP. Vào mùa lễ hội nếu đưa những sản phẩm này vào các di tích, tổ chức thành phiên chợ hàng nông sản sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu đặc sản địa phương. Với những di tích thường xuyên có du khách tới tham quan nếu quy hoạch được khu bán hàng gọn gàng, mặt hàng phong phú, bài trí hấp dẫn chắc chắn sẽ tạo được điểm nhấn, hấp dẫn và giữ chân du khách lâu hơn.
Đưa sản phẩm OCOP vào các di tích sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của tỉnh nói chung, của từng địa phương nói riêng. Điều này góp phần làm phong phú chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Ngành du lịch Hải Dương cùng các địa phương cần sớm quan tâm tổ chức quy hoạch, bố trí tại mỗi di tích, danh lam thắng cảnh có ít nhất một khu gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, trong đó lựa chọn những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tại các khu vực trưng bày sản phẩm cần bố trí thuyết minh, cung cấp thêm tờ rơi, cẩm nang du lịch tặng kèm du khách khi đến mua hàng. Đây cũng được xem là một trong những cơ hội để các địa phương, đơn vị khai thác lợi thế sẵn có, đưa sản phẩm OCOP ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
TIẾN MẠNH