Trở lại Đồng Văn đúng mùa đào nở, tôi lang thang khắp thị trấn để tìm lại những gì của Đồng Văn xưa cũ.
Cái khái niệm “xưa cũ” thực ra mới cách thời hiện tại - khi tôi đang kỳ cạch gõ những dòng này đã hơn chục năm. Hồi đó là năm 2009, lần đầu tiên tôi được đặt chân lên đến Đồng Văn. Cuối đông, trời lạnh thấu xương. Nhiệt kế chỉ 0 độ C. Lạnh đến nỗi chúng tôi đứng ở sân Huyện ủy Đồng Văn nói chuyện với ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy, mà cả chủ và khách đều phải nhảy nhót rất buồn cười. Đứng yên lạnh không chịu được, có cảm giác đôi chân đang đóng băng.
Thị trấn Đồng Văn ngày ấy nhỏ xíu, lọt thỏm giữa thung lũng bốn bề núi đá. Chỉ con đường độc đạo xinh xinh chạy qua, một bên là trụ sở Huyện ủy, Ủy ban, kề bên chợ Đồng Văn, bên kia là mấy cửa hàng cửa hiệu nho nhỏ. Đi vài bước chân là hết thị trấn. Đèn đường vàng vọt xuyên qua đám sương mù dày đặc. Những gốc đào cổ thụ trụi lá đang ngậm nụ đứng trầm mặc hai bên đường.
Tối thứ bảy, thị trấn nhộn nhịp nhất trong các buổi tối của tuần. Bởi vì chủ nhật có phiên chợ. Ngay từ chiều thứ bảy, đồng bào từ các bản xa đã nô nức tới chợ. Những bếp lửa lớn được nhóm lên. Những can rượu lớn được mở nắp. Những chảo thắng cố lớn bắt đầu bốc khói nghi ngút. Tiếng khèn bắt đầu dập dìu. Bất chấp lạnh giá. Bất chấp sương mù ken dày đặc, chúng tôi sang chợ, ngồi hơ tay bên bếp lửa, ăn một bát thắng dền thơm sực mùi gừng tươi, ngắm bóng người chập chờn nhảy múa trên bức tường đá cổ của chợ Đồng Văn. Ngôi chợ 100 năm tuổi với những vòm cửa cong cong mang đậm vẻ huyền bí trong ánh lửa, trong sương mờ, trong tiếng khèn da diết. Những nếp váy Mông sặc sỡ xoay tròn, xoay tròn… Đêm ấy, tiếng khèn theo cả vào trong giấc mơ của tôi.
Sáng chủ nhật, chợ Đồng Văn thực sự là nơi hội tụ của tất cả sắc màu. Dường như những gì rực rỡ nhất đều tụ cả về đây. Những bộ váy Mông mới nhất. Những chiếc khăn thổ cẩm sặc sỡ. Những gùi rau xanh mướt. Những rổ ớt đỏ tươi… Những tiếng nói, tiếng cười ríu rít. Mùi rượu ngô, mùi thắng cố nồng nàn trong sương sớm. Mái ngói âm dương và những bức tường đá, cửa vòm của chợ cổ Đồng Văn như cũng rạng rỡ, trẻ trung ra. Chợ họp tràn cả ra đường một đoạn dài, đi từ xa đã thấy những xanh đỏ tím vàng phấp phới. Trên những con đường mòn dẫn từ các ngả núi cao xuống, vẫn đông bóng áo chàm, bóng váy Mông xoay tròn đang xuống chợ.
Phố cổ Đồng Văn không chỉ có chợ Đồng Văn. Đi sâu vào phía sau chợ là một dãy nhà cổ tuyệt đẹp, tường trình đất, mái ngói âm dương, tất thảy dãy nhà bên tay trái quay lưng chứ không quay mặt ra đường, còn tất cả những nhà bên phải lại quay mặt ra đường. Bao quanh những ngôi nhà cổ ấy là bờ rào đá truyền thống của người Mông Hà Giang. Và thấp thoáng bên trong bờ rào đá, những tấm váy Mông treo trên sào phơi như những nụ hoa xuân vừa bung nở. Những cây đào cổ thụ thân xám mốc dựa vào bờ rào đá. Cuối đông, chưa có bông hoa nào. Nhưng chỉ thế đã đẹp đến sững sờ.
Trở lại Đồng Văn đúng mùa đào nở, tôi lang thang khắp thị trấn để tìm lại những gì của Đồng Văn xưa cũ. Vẫn con đường độc đạo xuyên qua thị trấn. Nhưng chợ cổ ngày xưa không còn là nơi họp chợ. Theo thời gian, ngôi chợ hơn trăm năm tuổi ấy trở nên bé nhỏ, nhất là những dịp Đồng Văn tràn ngập khách du lịch theo các mùa lễ hội. Chợ Đồng Văn mới to và rộng hơn, ở bãi đất trống cách chợ cổ chừng hơn trăm mét. Vẫn những sắc màu sặc sỡ. Vẫn những nụ cười tươi tắn. Vẫn mùi rượu ngô, thắng cố thơm nồng. Nhưng không thấy ông già khâu giày nơi góc chợ xưa đâu nữa. Người ta bảo giờ giày dép Trung Quốc rẻ lắm, đẹp lắm và nhiều lắm. Không ai còn đi giày vải khâu tay. Hỏi thăm cũng không ai biết ông lão ấy còn sống hay không? Nhà ở đâu, xa hay gần? Bà lão bán rượu ngô có nụ cười phúc hậu, bán cho tôi một can rượu 20 lít mà mời thử tận 5 chén to cũng không thấy đâu nữa. Chợ cổ vẫn trầm mặc đứng đó, nhưng thành nơi bán cà phê. Buổi tối, thay bằng ánh lửa bập bùng là ánh đèn nháy xanh đỏ chớp loang loáng. Thay bằng tiếng khèn dìu dặt là tiếng nhạc trẻ bừng bừng trong sương. Mùi cà phê thơm trong gió núi khiến tôi da diết nhớ mùi thắng cố lúc nửa đêm nơi góc chợ… Dãy nhà cổ ngày xưa, chỉ còn mấy ngôi nhà cổ, nhiều nhà mới xây thay thế những mái ngói âm dương và tường trình đất. Phố huyện được nối dài ra bởi các của hàng, các quán ăn, nhà nghỉ. Đồng Văn sầm uất và đông đúc hơn nhiều.
Trong những sầm uất và đông đúc đó, may thay, vẫn còn những cây đào cổ thụ đứng trầm mặc trong sương. Những cây đào thủy chung đứng đợi, neo giữ một phần hồn vía của Đồng Văn xưa cũ. Thân cây xám mốc, già nua, khắc khổ, nhưng những đóa hoa vừa chớm nở lại rạng rỡ, tinh khôi, ngọt ngào như những nụ môi thiếu nữ. Mắt chạm những cây đào cổ thụ dọc phố mà lòng như được gặp cố nhân sau bao nhiêu xa cách nghìn trùng.
Lần đầu tiên đến phố cổ Đồng Văn, tôi đã cùng bè bạn ngồi uống trà trong căn nhà cổ, bên bếp lửa ấm sực, nghe nhà văn Nguyễn Quang - một người con quê hương Hải Dương nhưng lại thành “thổ dân” Hà Giang vì gắn bó với Hà Giang trọn đời công tác - kể cho nghe tất cả mọi điều, giải đáp mọi thắc mắc về cao nguyên đá, về Đồng Văn, về người Mông, và về cả “tại sao anh lại lấy nhiều vợ thế?” (lúc đó, Nguyễn Quang kể anh đang chung sống với người vợ thứ tư, trẻ hơn anh rất nhiều). Và bây giờ, khi tôi viết những dòng này, nhà văn Nguyễn Quang đã về với tổ tiên rồi. Hôm anh mất, có bạn văn gọi cho tôi thảng thốt hỏi: Đã biết tin Nguyễn Quang mất hay chưa? Hôm đó mới đang là mồng 3 Tết!
Bỗng dưng tôi nhớ đến hai câu thơ mình viết, cũng khi một bạn văn qua đời:
… Bạn bè dần dần khuất nẻo
Chỉ còn thương nhớ mênh mông…
Phố cổ Đồng Văn, lần sau tôi đến, không biết có còn thêm những đổi thay gì. Nhưng chắc chắn không còn Nguyễn Quang với nụ cười lãng tử trong gió núi, đi từ chợ ra, hai tay xách hai túi to đùng thịt lợn Mông toàn mỡ. “Eo, sao anh mua làm gì thịt lắm mỡ thế kia?” “Hỏi thế nghĩa là cô không biết ăn loại thịt thần tiên này rồi. Lần nào đến Đồng Văn anh cũng tranh thủ mua chừng hai chục cân đấy!” Đồng Văn thì còn mãi đấy, nhưng những con người đi qua Đồng Văn thì lần lượt như những cánh đào kia, rơi xuống, rơi xuống, rơi xuống… lúc cuối mùa. Một đời người cũng như một đời hoa, có nở có tàn, có khởi đầu rồi có ngày kết thúc. Nhưng mỗi lần nhớ đến phố cổ Đồng Văn, tôi lại nhớ những tán đào cổ thụ lộng lẫy trong sương núi. Cũng như nhớ đến Nguyễn Quang, là nhớ đến tấm chân tình của anh dành cho bè bạn muôn nơi. Hễ bạn bè đến Hà Giang là anh không ngần ngại, bỏ hết công việc để lên đường, sẵn sàng làm hướng dẫn viên bản địa, rất tận tình, sâu sắc, trách nhiệm. Có bạn đã gọi anh là “bách khoa thư về Hà Giang”.
Một đời người, cũng như một đời hoa, ngắn hay dài không quan trọng. Quan trọng là có lộng lẫy đến tận cùng hay không?
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA