Thị thành những ngày cuối năm, gió mùa vi vút lồng lộng thổi làm cho ngày một lạnh hơn, còn lòng những người con xa xứ như tôi thì thêm nôn nao.
Mỗi cuối năm gió lạnh đều về. Vẫn là cái lạnh buôn buốt đó nhưng tôi lại thấy mỗi năm một khác. Và gặp mùa gió mới tôi lại bâng khuâng nhớ mùa gió cũ. Cảm xúc ấy thật khó gọi tên, vừa dịu êm vừa nồng nàn. Như là nhớ nhung lời hẹn tình nhân, nhớ một nụ hôn thơm, một ánh mắt lúng liếng, để đêm về gieo rắc bao thương nhớ khôn nguôi.
Mùa gió cuối năm, sao mà thấy thời gian trôi gấp gáp quá, mặc dù một ngày trôi qua vẫn chừng ấy thời gian. Lại nhớ cái thuở còn ở quê, mỗi lần gió cuối năm về, mẹ lúc nào cũng vội vã. Nhớ về mẹ là nhớ về bóng hình gầy gò, ống thấp ống cao, thường dậy thật sớm chạy đua với thời gian. Mẹ với một núi công việc, những công việc có tên và không tên.
Tôi nhớ lọn khói ban sớm bay lên từ chái bếp, nhớ mùi khoai luộc, sắn luộc, bát cơm nguội rang với tóp mỡ thơm phưng phức mà mẹ đã đỏ lửa rang từ khi tôi còn say giấc nồng.
Nhớ những lần đứng bên hiên nhà, mẹ cằn nhằn rằng không chịu mặc thêm áo ấm, choàng thêm khăn bởi gió cuối năm thường là… gió độc. Những lời càm ràm của mẹ lúc nào cũng giống nhau, nghe chừng mắng mỏ nhưng lại chất chứa yêu thương vô vàn.
Tôi nhớ những lần đi học cùng lũ bạn trên con đường làng, những vòng xe nặng trĩu khi đạp ngược gió. Vừa nhấn pê đan vừa cười tít mắt, mơ về một cái Tết cận kề. Đứa thích đi chợ Tết để được chơi các trò dân gian, đứa lại thèm thuồng bát bánh đúc nóng hổi giữa mùa đông lạnh miệng thở ra khói. Tôi thì mơ màng về những bộ quần áo, dép mới. Mà không phải Tết nào bố mẹ cũng sắm sanh được.
Mùa gió cuối năm tôi nhớ về những đêm nằm cạnh mẹ nghe tiếng thở dài giấu kỹ bao chứa chan tâm sự. Trẻ con thì vô tư, hồn nhiên nhưng với người lớn thì Tết là “gánh nặng”, là nỗi lo sợ vô hình. Mẹ lo con cái không có tấm áo mới đi chơi Tết, lo trong nhà chưa có cân thịt, gói kẹo, gói mứt. Lo đàn gà đến Tết bán có được giá hay không? Rồi thì rau Tết, củi Tết…
Mùa gió cuối năm, nghĩ đến quê nhà lúc nào tôi cũng thấy mình mắc nợ những ân tình. Từ con đường làng thuở còn đất đỏ bám dính cho đến khi được đổ bê tông sạch sẽ, là nơi dìu đỡ bước chân tôi từ thuở chập chững cho đến khi trưởng thành đi xa. Đến hàng bạch đàn nhiều năm tuổi chẳng ai nhớ tên, lá xao xác rụng, lũ trẻ con thường hay vun lại thành đống để đốt sưởi ấm. Và góc chợ quê thân thương với biết bao nhiêu thứ mùi: Mùi nhựa của những trái bóng bay hình con thỏ mà hồi nhỏ đứa trẻ nào cũng mê tít; mùi mứt gừng, mứt bí... ai đó làm sớm để bán; mùi nước sông bốc lên thoảng đọng lại mùi rêu hanh hao; mùi của người quê chân chất bịn rịn trong màu áo nâu sòng…
Những ngày cuối năm, gió lại về. Những ngọn gió xào xạc như hắt vào nỗi nhớ quê trong tôi thêm da diết. Mỗi đợt gió là một niềm thương khôn tả. Hình như trên hai má tôi chạm chớm những giọt nước mắt nóng hổi. Lúc đó, tôi mới biết lệ mình đã rơi. Không phải vì tôi buồn đâu, mà tôi thấy mình thật may mắn khi trải qua bao nhiêu mùa gió cuối năm với nhiều ký ức dịu ngọt.
TĂNG HOÀNG PHI