Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc

11/11/2022 05:42

Cuối năm là dịp các doanh nghiệp xuất khẩu chạy nước rút, nỗ lực hoàn thành các đơn hàng để đạt kế hoạch năm và tạo đà tăng trưởng cho năm tới.


Công ty TNHH một thành viên Nhôm Tân Á tăng tốc sản xuất dịp cuối năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả năm

Vừa sản xuất, vừa tìm thị trường

Là "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu máy in của tỉnh, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) đang nỗ lực hoàn thành vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2022. 10 tháng qua, đơn vị đã xuất khẩu 4 triệu máy in, khoảng 12,3 triệu trống mực. Doanh thu của doanh nghiệp tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách nhà nước hơn 4 triệu USD. Những tháng cuối năm, công ty tập trung đáp ứng các hợp đồng đã ký, tiếp tục tìm kiếm đơn hàng mới và kiện toàn lại đội ngũ lao động để tạo đà sản xuất, kinh doanh trong năm tới.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 20.000 tấn thanh nhôm định hình trong năm 2022 nhưng hiện Công ty TNHH một thành viên Nhôm Tân Á ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) mới bảo đảm 70% kế hoạch. Mặc dù gặp nhiều áp lực về sản xuất và thị trường song không vì vậy mà công ty điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Theo bà Trần Thị Phương, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu công ty, thay vì bị động, chờ đợi đối tác, công ty chủ động củng cố đơn hàng cũ, vừa tìm kiếm bạn hàng mới, đồng thời tính toán, cân đối lại đơn giá nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Vì vậy, dự kiến cuối năm lượng hàng xuất khẩu sẽ tăng cao. Doanh nghiệp đang tuyển thêm lao động thời vụ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. 300 công nhân hiện có chia 2 ca làm việc và làm tăng ca.

Những tháng cuối năm cũng là thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào vụ. Với lợi thế là vựa rau màu vụ đông của miền Bắc nên hoạt động xuất khẩu nông sản tại tỉnh tương đối sôi động. Các công ty đang dồn lực để thu mua, sơ chế, xuất khẩu rau màu sang các thị trường lớn. Không chỉ thực hiện các đơn hàng truyền thống là sản phẩm rau màu vụ đông, Công ty CP Ameii Việt Nam còn nhận được nhiều hợp đồng xuất lá dong, hoa chuối, sả, lá nếp… để phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Theo lãnh đạo công ty, vì doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu nên việc thu mua, lựa chọn hàng đạt tiêu chuẩn cũng mất nhiều thời gian hơn. Công ty phải tăng cường nhân lực, bố trí ca làm việc phù hợp với lịch xuất hàng để bảo đảm hợp đồng đã ký kết với đối tác.



Doanh nghiệp nông sản gấp rút chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Ameii Việt Nam đóng gói lá nếp xuất khẩu


Khắc phục khó khăn

Dịch Covid-19 được kiểm soát cũng là lúc các doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc để gia tăng các đơn hàng, lấp đầy khoảng trống do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, khi vượt qua được khó khăn cũ thì nhiều doanh nghiệp lại đối mặt với thách thức mới. Xung đột giữa Nga-Ukraina đã gây lạm phát tại thị trường Mỹ, châu Âu, ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu. Đồng thời giá nguyên liệu đầu vào tăng cao làm đội chi phí sản xuất khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tìm kiếm, tiếp cận đơn hàng mới. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc, giầy da, sản xuất đồ chơi, thiết bị điện, máy móc thiết bị chịu tác động lớn nhất do thị trường tập trung ở Mỹ và các nước châu Âu. Áp lực lạm phát, khủng hoảng năng lượng đã buộc người dân ở những nước này thắt chặt chi tiêu. Một số đơn đặt hàng bị huỷ hoặc hoãn gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài ra, chỉ số đô la Mỹ tháng 10 tăng 1,91% so với tháng trước, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021, bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 1% cũng tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Để giải quyết khó khăn mà vẫn bảo toàn đội ngũ công nhân, người lao động, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp may mặc, giày da đã giảm tăng ca, giãn thời gian sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương kể từ tháng 11.2022. Nguyên nhân do thị trường đang gặp khó nhưng hiện tại tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức khá cao. Quý III.2022, Hòa Phát lỗ lịch sử 1.800 tỷ đồng và cũng là cái tên lỗ lớn nhất trong toàn ngành thép, doanh thu liên tục đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý IV năm ngoái. Theo lý giải của Hoà Phát, nguyên nhân do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường... 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, cán đích mục tiêu xuất khẩu, tỉnh đang có những đổi mới trong hoạt động hải quan, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống hải quan điện tử để rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan. Ông Đinh Xuân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh cho biết: “Xác định hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu, đơn vị không những ứng dụng tối đa, triệt để lợi ích của hải quan điện tử mà còn lập các nhóm trò chuyện trên nền tảng Zalo. Từ đó, mọi khó khăn, vướng mắc được xử lý nhanh chóng, kịp thời. Tuy thời điểm cuối năm gấp gáp song không vì thế mà hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng”.

Theo Cục Thống kê, 10 tháng qua giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đạt 8.816 triệu USD, bằng 82,4% kế hoạch năm, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trong các tháng đều tăng cao so với năm 2021; riêng các tháng 7, 8, 9 mỗi tháng giá trị hàng hóa xuất khẩu đều đạt trên 1 tỷ USD.

DŨNG QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc