Nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội là một trong những yêu cầu khách quan, quan trọng trong việc đấu tranh, gìn giữ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc dự báo tư tưởng không chỉ xác định được các nguồn hình thành xu hướng tư tưởng, các nguồn dư luận, tin đồn trong xã hội mà còn nhận định được nguy cơ của từng vấn đề tư tưởng nảy sinh; thậm chí còn xác định phương hướng, hình thức xử lý, biện pháp giải quyết vấn đề dư luận đặt ra. Nội dung dự báo cần bảo đảm tính đồng bộ, dự báo được cả mặt tư tưởng tích cực và nhận diện nguy cơ tư tưởng tiêu cực, tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhất để sớm có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, tạo nên bầu không khí tích cực, lạc quan trong đời sống hằng ngày.
Để làm được điều đó, các tổ chức cơ sở đảng cần tiến hành công tác dự báo chủ động, đi trước, đón đầu, đầu tư nhiều hơn về nguồn lực và tiềm lực cho công tác dự báo tư tưởng. Người đứng đầu các tổ chức đảng phải là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về dự báo tư tưởng ở mỗi cấp. Bên cạnh đó, cần quyết liệt đổi mới tác phong công tác gần dân, sát dân; chủ động cung cấp thông tin chính thống, định hướng tư tưởng, nhận thức trong nội bộ và nhân dân. Cần chú trọng phát hiện, giải quyết triệt để những vấn đề mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, cả nước có hàng chục triệu công nhân, người lao động ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Bởi vậy, để nắm bắt tư tưởng, tâm lý, các luồng dư luận thông qua các tổ chức đảng, tổ chức xã hội các cấp, phải xây dựng cho được lực lượng nòng cốt trong công nhân, người lao động, đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên ở nơi đó.
Nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội từ sớm, từ xa không thể không nhắc tới việc sử dụng truyền thông xã hội. Phương tiện truyền thông xã hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian trực tuyến trên nền tảng internet và các công nghệ truyền thông hiện đại khác nhằm truyền tải thông tin, kết nối xã hội. Các phương tiện truyền thông xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành, thể hiện thái độ, suy nghĩ, mong muốn, khát vọng của cá nhân và một cộng đồng. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng đối với việc tiếp cận thông tin, hình thành ý kiến cá nhân; là công cụ, phương tiện để trao đổi, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến.
Điều đó có nghĩa, phương tiện truyền thông xã hội có vai trò lớn đối với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại, khi công chúng ngày càng sử dụng thường xuyên, liên tục các phương tiện truyền thông xã hội. Chính vì vậy các thế lực thù địch thường lợi dụng sự phát triển của công nghệ truyền thông để tạo ra những dư luận xã hội sai lệch về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Thậm chí, chúng cắt ghép dựng lên những sự kiện về hình ảnh, tin tức làm cho những người chưa có kinh nghiệm hoặc thiếu bản lĩnh và hiểu biết xã hội thường tin là thật. Do đó, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, các cấp, ngành chức năng cần nhận diện sớm những vấn đề xã hội có thể nảy sinh, chủ động nắm bắt dư luận xã hội và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
LÊ QUÝ HOÀNG