Điều bất ngờ đối với cơ thể khi ăn khoai lang vào buổi sáng

06/03/2023 06:56

Ăn một củ khoai lang mỗi ngày vừa giúp bạn giảm cân, vừa tốt cho hệ tiêu hóa và phòng chống táo bón hiệu quả.

Ăn khoai lang giảm cân hay tăng cân?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, khoai lang được coi là thực phẩm vàng giúp bạn giảm cân. 100 gram khoai lang có chứa 86 calo. Một củ khoai lang trung bình chứa khoảng 180-200 calo.

Khoai lang là một trong những thực phẩm chứa carb tốt. Nó được coi là “đường tiêu hóa chậm” nên giúp cơ thể no lâu hơn. Ngoài ra, khoai lang không chứa các cholesterol, đồng thời hỗ trợ cơ thể đốt mỡ rất tốt.

Tinh bột trong khoai lang có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gì?

Theo bác sĩ Hoàng, trong khoai lang có 3 loại tinh bột gồm: tinh bột tiêu hóa nhanh, tinh bột tiêu hóa chậm và tinh bột kháng. Tinh bột kháng là tinh bột không tiêu hóa ở ruột non. Nó được lên men trong ruột già, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, đây một nguồn năng lượng cho các tế bào ruột kết. Vì vậy, tinh bột của khoai lang giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng và tiêu chảy nhiễm trùng.

Một ngày nên ăn bao nhiêu củ khoai lang?

Việc lựa chọn khoai lang trong thực đơn hàng ngày có thể giúp bạn giảm cân hoặc duy trì cân nặng lý tưởng nếu như sử dụng đúng cách. Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều khoai lang. Ví dụ, một ngày bạn nên ăn 1 củ khoai lang khoảng 200-300 gram.

Nếu muốn giảm cân, bạn có thể chia làm ba bữa thay cơm trắng. Ăn quá nhiều khoai lang sẽ khiến việc giảm cân thất bại vì hàm lượng calo đưa vào cơ thể vượt quá nhu cầu. Ngoài ra, ăn nhiều khoai lang còn gây nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng.

Thời điểm ăn khoai lang vào lúc nào là tốt nhất?

Bạn nên ăn một củ khoai lang vào buổi sáng thay cơm, bún, phở, xôi. Bác sĩ Hoàng cho biết sau khi ngủ dậy, bạn nên uống một cốc nước ấm và ăn vài lát khoai lang. Thói quen này sẽ tác động tích cực đến cơ thể, đặc biệt là giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, phòng chống táo bón.

Trung bình một củ khoai lang chứa hơn 1/4 lượng chất xơ cần thiết của mỗi người trong một ngày. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước và làm mềm chất thải ở ruột. Việc cung cấp chất xơ mỗi ngày giúp bạn tránh bị táo bón và giảm nguy cơ ung thư ruột già.

Các chuyên gia đều khuyến cáo ăn khoai lang vào buổi sáng kèm theo sữa nguyên kem hoặc sữa chua, thêm hạt ngũ cốc và rau xanh mang lại đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

 Ăn khoai lang luộc, hấp hay nướng là tốt nhất?

Theo bác sĩ Hoàng, khoai nướng ngon hơn nhưng ăn nhiều lại dễ tăng cân, tốt nhất là ăn hấp hoặc luộc. Khoai lang nướng còn có mật độ GI (glycemic index) cao hơn, làm tăng đáng kể đường huyết trong máu so với khoai luộc. Nếu bạn có đường huyết cao cần lưu ý không nên lựa chọn cách chế biến này.

Ngoài ra, khoai lang nướng thường được chế biến từ loại ruột vàng, chứa chứa hàm lượng vitamin A cao, dưới dạng beta-carotene. Một củ khoai lang sẽ cung cấp cho cơ thể con người khoảng gần 1.100 mcg chất này, trong khi đó nhu cầu của cơ thể chỉ cần 700-900 mcg.

Ai không nên ăn khoai lang?

Theo bác sĩ Hoàng, khoai lang chứa nhiều chất xơ, kali, vitmain A, magie… nhưng nó lại không tốt cho người mắc bệnh thận. Người bệnh ăn quá nhiều khoai lang có thể gây thừa kali và dẫn tới rối loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim, gây nguy hiểm. Người bị tăng huyết áp nên ăn một tuần 2-3 củ khoai (kích thước khoảng bằng cổ tay).

Những người bị bệnh tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, viêm dạ dày cũng nên chú ý khi ăn khoai lang. Bởi loại củ này sẽ làm tăng tiết dịch vị và gây nóng ruột, nóng rát ở thực quản, ợ chua khó chịu. Đặc biệt, việc ăn khoai lang khi đói bụng, vào buổi tối sẽ làm tăng kích thích tiết axit dạ dày, gây đau bụng, tăng nặng tình trạng viêm dạ dày.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Tin mới nhất
Điều bất ngờ đối với cơ thể khi ăn khoai lang vào buổi sáng