Ngày 10.10.1954, sau 9 năm cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào dự án quy hoạch thành phố Hà Nội tháng 11.1959. Ảnh: Tư liệu TTXVN
65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã nỗ lực không ngừng, lập nên nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, đưa Thủ đô trở thành đầu tàu và là động lực phát triển của khu vực phía Bắc.
“… Làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe”
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.77). Thực hiện lời Bác dạy, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ngay sau khi hoàn thành thắng lợi việc tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12.1972), buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27.1.1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Nhân dân Hà Nội đọc báo, theo dõi tin về “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được ký kết ở Paris ngày 24.1.1973. Ảnh: TTXVN
Những năm sau đó, cả Hà Nội là một công trường lớn xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Không khí hoà bình xây dựng rất nhộn nhịp, sôi động.
Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.
Theo đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.
Vững bước đi lên
Ngày 1.8.2008 đánh dấu mốc son lịch sử mới, mở ra thời kỳ phát triển giàu tiềm năng của Thủ đô Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hơn 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, đạt 10,73% (2006-2010); 9,23% (2011-2015). Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục thể hiện rõ sức vươn ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,1% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp 16,46% về GRDP, 19,05% về thu ngân sách. GRDP tăng bình quân 7,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.
Hà Nội với những công trình nhà cao tầng hiện đại đang thay thế dần các khu nhà thấp tầng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Hiện nay, Hà Nội là một trong những trung tâm thương mại, tài chính-tiền tệ của cả nước. Công nghiệp được sắp xếp lại và có bước phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái.
Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác như cầu Nhật Tân cùng đường Võ Nguyên Giáp; đường vành đai 1; đường 5 kéo dài; đường vành đai 2; nâng cao hiệu quả tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài… Những công trình này đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng trên địa bàn. Cùng với đó, quy trình, quy chuẩn quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến, hình thành tuyến phố kiểu mẫu... hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa-xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước. Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; đã xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử... Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Công tác giáo dục-đào tạo có sự phát triển toàn diện. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước; công tác y tế có bước phát triển vững chắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2018 giảm còn 1,16%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 86%...
Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 5.2019, toàn thành phố đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) và 325/386 xã (chiếm 84,19% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, đã có 3 xã tại huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Hà Nội cũng đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình. Lòng quả cảm chiến đấu vì độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và dựng xây quê hương của quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”...
Có thể thấy, 65 năm sau giải phóng, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; đồng thời trở thành nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa sức mạnh, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
Theo TTXVN