Ngô Thị Như Huệ, 39 tuổi, Trưởng phòng kinh doanh Công ty hóa chất Nam Phương, bị cáo buộc lập khống hóa đơn, tuồn ra thị trường hơn 2,5 tấn xyanua.
Ngày 18/9, Huệ và Nguyễn Đức Thành Huy, 35 tuổi, bị Công an quận Bình Thạnh bắt về hành vi Mua bán trái phép chất độc quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, cảnh sát tiếp nhận trình báo của người dân, về việc có gói hàng chứa chất bột màu trắng khả nghi giao nhầm đến nhà. Kết quả giám định cho thấy đây là 300 gam chất độc xyanua. Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh ngay sau đó chỉ đạo Công an quận Bình Thạnh phối hợp nhiều đơn vị để điều tra.
Lần theo các dấu vết, cảnh sát bắt được Huy - người bán chất độc; thu giữ thêm 1 kg xyanua đang chờ bán ra thị trường.
Cơ quan điều tra xác định, Huy đã sử dụng Facebook Hóa chất Nam Phương và Hóa chất Xi mạ để quảng cáo, trao đổi, mua bán chất độc xyanua. Khi có khách cần, người này đóng gói, giao cho họ thông qua dịch vụ giao hàng - thu hộ.
Huy khai, từ tháng 3 đến nay đã bán hơn 100 kg xyanua cho nhiều người tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nghi can này thừa nhận "không quan tâm người mua có giấy phép kinh doanh, có đủ điều kiện sử dụng hóa chất độc hại này không".
Mở rộng điều tra về nguồn cung cấp chất độc này, cảnh sát bắt thêm Huệ, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH hóa chất Nam Phương tại quận 12; thu giữ thêm 150 kg xyanua.
Bà này bị cáo buộc lợi dụng vị trí công việc và sự quản lý lỏng lẻo của chủ doanh nghiệp đã lập khống hợp đồng mua bán chất độc xyanua của công ty với các đối tác, tuồn ra ngoài bán cho người khác để hưởng chênh lệch.
Cảnh sát xác định, từ năm 2019 đến nay Huệ đã bán hơn 2,5 tấn xyanua cho 11 khách, thu về gần 400 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng Huy mua chất độc về để bán lại kiếm lời bất chính, còn các trường hợp khác đều sử dụng vào khai khoáng và chế tác kim loại.
Vụ án đang được mở rộng điều tra.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ án mà hung thủ dùng xyanua đầu độc nạn nhân để cướp tài sản, hoặc chỉ để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Từ những vụ án tàn độc này cho thấy việc quản lý, mua bán xyanua còn nhiều lỗ hổng; dễ dàng trao đổi, mua bán trên các trang mạng xã hội.
Thông thường, hầu hết người dân mua, sử dụng chất độc xyanua do thiếu hiểu biết về pháp luật và chủ yếu sử dụng để làm xi mạ, sơn, nhuộm, thuốc diệt chuột... Hiện, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn.
T.H (theo VnExpress)