Có thể nói rằng tới thời điểm này về cơ bản Việt Nam đang từng bước kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 trên phạm vi toàn quốc, tạo tiền đề để chúng ta thích nghi với trạng thái bình thường mới và mở cửa trở lại nền kinh tế.
Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn có nhiều điểm sáng kinh tế-xã hội và trong nỗ lực phòng chống dịch.
Với chủ trương “bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và linh hoạt, bằng những giải pháp sát tình hình thực tiễn, sớm đề ra chiến lược vaccine phù hợp, dịch bệnh COVID-19 tới nay đã được kiểm soát một cách chủ động ở hầu hết các tỉnh thành. Ngay cả tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Long An hay Bình Dương số ca mắc mới và tử vong đã giảm sâu, phần lớn các địa phương không còn ca lây nhiễm cộng đồng. Trên cả nước, tới ngày 12.10, hơn 91% bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị thành công, có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Tỷ lệ mắc bệnh trên 1 triệu dân xếp thứ 9/11 trong số các nước ASEAN, đứng thứ 155/223 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cả nước cũng đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các số liệu mới nhất cho thấy chiến lược “ngoại giao vaccine” của Việt Nam đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ khi có tới hơn 74 triệu liều vaccine đã về tới Việt Nam.
“Chiến lược vaccine thần tốc” đã phát huy hiệu quả tức thì, trở thành “cú đấm thép” chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, nhất là ở các tỉnh phía Nam và thủ đô Hà Nội, hai đầu tàu kinh tế-chính trị của cả nước. Niềm tin và hy vọng càng có cơ sở khi chiến lược vaccine của Đảng và Nhà nước ta đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Việc tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong tháng 10 và 11 sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến phòng, chống dịch, thực sự giúp cả nước chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công, sang thích ứng an toàn. Tốc độ tiêm chủng, từ chỗ rất thấp, đã cao hơn mức trung bình của thế giới. Đến cuối tháng này, tỷ lệ tiêm sẽ cao hơn một số nước trong khu vực. Đây là điểm sáng hết sức đáng ghi nhận của chiến lược vaccine.
Hiện nay, không còn tỉnh thành nào phải áp dụng phong tỏa, cách ly diện rộng để phòng dịch và đang từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được duy trì; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững và ngày càng củng cố sau mỗi đợt dịch.
Dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới suy sụp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng-hàng hóa toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, với nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và toàn thể nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt 1,42%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài được đảm bảo và hoạt động xuất khẩu đang từng bước lấy lại đà. Đây là một điểm sáng, là thành quả hết sức ý nghĩa trong sự nỗ lực chung “vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh”, đặc biệt trong hoàn cảnh nhiều địa phương là các trung tâm công nghiệp-kinh tế ở phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Mấy tháng qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước đã nỗ lực triển khai nhanh nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lao động, hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, giảm tiền điện, tiền nước, tiền cước viễn thông, hỗ trợ người nghèo, người dễ tổn thương trong xã hội… Đó là điểm sáng nhân văn của chủ trương “lấy dân làm gốc”, là điểm sáng của tình người trong gian khó.
Những thành công bước đầu đó trở thành nền tảng quan trọng để cả nước vượt qua thử thách, chủ động, từng bước “bình thường mới” cuộc sống và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội năm 2022. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết hướng đến mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Có thể thấy rằng đây lại là một bước “chuyển mình và thích ứng” hết sức kịp thời của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc bất cập, vốn là hệ lụy của một giai đoạn cả nước buộc phải giãn cách xã hội và phong tỏa để ngăn chặn các làn sóng dịch.
Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đặt nền móng để cả nước triển khai một cách thiết thực và hiệu quả chiến lược chống dịch từ “Zero COVID-19” (Không COVID-19) sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Thời gian qua, trên thực tế một số địa phương triển khai chính sách phòng chống dịch còn cứng nhắc, thậm chí có nơi có lúc còn mâu thuẫn với chủ trương chung của Chính phủ. Như vậy, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, theo đó tạm dừng áp dụng các Chỉ thị 15-16-19 trước đây, sẽ giúp các tỉnh thành có được sự chủ động và linh hoạt trong công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19, vừa phù hợp với tình hình từng địa phương, vừa thống nhất với chủ trương chung toàn quốc.
Gần 2 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, lây lan. Trong quá trình đó, chúng ta đã “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có những thay đổi chiến thuật, chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hợp lý và đều có hiệu quả cao. Những kinh nghiệm bước đầu, nhất là kinh nghiệm đúc rút được qua đợt dịch thứ tư này, sẽ giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc chiến cam go thời gian tới. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thật sự tin tưởng cả nước sẽ vượt qua thử thách và chiến thắng đại dịch COVID-19.
Theo Báo Tin tức