Cứ đến thời điểm chuẩn bị nhân sự đại hội, bầu cử… nhiều nơi lại xuất hiện đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC). Trong số những đơn thư đó, không ít đơn KNTC sai sự thật.
Hiện nay, tình trạng KNTC sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, trong 6 tháng (từ ngày 15.12.2018 - 15.6.2019), cơ quan hành chính các cấp, các sở, ngành trong tỉnh đã xử lý 115 đơn KNTC thuộc thẩm quyền. Phân tích kết quả giải quyết 60 đơn tố cáo có 9 đơn tố cáo đúng (chiếm 15%), 27 đơn tố cáo sai (chiếm 45%), 24 đơn tố cáo có đúng, có sai (chiếm 40%). Phân tích kết quả giải quyết 55 đơn khiếu nại có 1 đơn khiếu nại đúng (chiếm 1,8%), 44 đơn khiếu nại sai (chiếm 80%), 2 đơn khiếu nại có đúng, có sai (chiếm 3,6%), 8 đơn khiếu nại công dân rút đơn (chiếm 14,6%).
KNTC đúng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh. Song ngược lại, KNTC sai gây ra nhiều hệ lụy. Đầu tiên là bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội. Những nội dung KNTC sai với mục đích không trong sáng, vu khống, hạ bệ, làm mất uy tín của người khác gây ra dư luận tiêu cực. Ngay cả khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, dù kết luận nội dung KNTC sai sự thật cũng khiến người bị KNTC ảnh hưởng. Ngoài ra, những nội dung đơn thư sai sự thật còn gây lãng phí thời gian, công sức cho người đi KNTC và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, giải quyết.
Thực tế, có nhiều người dân chưa nắm rõ những quy định của pháp luật, hiểu sai và đòi hỏi quá mức quyền lợi của mình. Từ đó dẫn đến KNTC sai. Nhưng vẫn còn một số người có hiểu biết pháp luật nhưng sẵn sàng KNTC vì mục đích cá nhân không trong sáng, thậm chí nhận tiền để kiện thuê. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân còn hạn chế. Nhiều nơi người dân không quan tâm tìm hiểu pháp luật, chỉ đến khi động chạm đến quyền lợi mới bắt đầu tìm đọc, dẫn đến nắm không vững, hiểu sai, vận dụng sai…
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định người khiếu nại phải chịu trách nhiệm về việc khiếu nại sai. Nhưng người tố cáo phải chịu trách nhiệm về thông tin tố cáo, phải có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có. Nếu không trung thực, người tố cáo có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo. Tuy nhiên, thời gian qua, trong tỉnh chưa có hành vi tố cáo sai nào bị xử lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng đơn tố cáo sai còn nhiều.
Để hạn chế tình trạng đơn KNTC sai, trước mắt cần nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành pháp luật, đổi mới phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Tiếp công dân, Luật KNTC nói riêng. Các địa phương, đơn vị nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; quan tâm bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác tiếp công dân, tích cực giải thích, hướng dẫn nhằm giảm tình trạng KNTC sai. Các địa phương, đơn vị tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, tránh các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đối với những trường hợp KNTC sai sự thật, vu khống, làm mất uy tín người khác, tạo dư luận tiêu cực… cần phải xử lý nghiêm.
NINH THÀNH (TP Hải Dương)