Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 30/5, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại là hoạt động thường xuyên
Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Một trong những điểm mới, khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên; qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, nhân dân.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Đồng thời, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể gồm, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới, đem lại kết quả cao như: Giám sát việc thực hiện thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hai chuyên đề giám sát tối cao đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tuy nhiên nếu chọn 1 trong 2 chuyên đề để giám sát tối cao đại biểu nhận thấy Chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao trong thời điểm hiện tại. Bởi lẽ tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng được đông đảo cử tri hết sức quan tâm; vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới.
Theo đại biểu, thực tế việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới vào ngày 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn theo quy định. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải chưa hiểu rõ việc phân loại rác thải như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, nơi tập kết rác như thế nào và nhiều địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị. Nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải đang được đặt ra như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và thiếu quy định về định mức thu gom, xử lý rác thải.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, mặc dù đã có 2 năm cho công tác chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực nhưng công tác chuẩn bị chưa được kỹ. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Chính bởi vậy nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.
Đại biểu Quốc hội đề nghị năm 2025 Quốc hội tiếp tục hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để đánh giá sự chuyển biến sau chất vấn và giám sát chuyên đề. Đây là hình thức tái giám sát hiệu quả cao và cũng là cơ sở để các đại biểu Quốc hội đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và những lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phân tích, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, 3 năm gần đây chúng ta không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau khi bỏ lỡ cơ hội dân số vàng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa và thực thi trên thực tế quan điểm của Đảng về các đột phá chiến lược. Chính vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị lựa chọn Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.