Đầu xuân đi lễ cầu may

22/01/2023 13:12

Không chỉ từ ngày mùng 1 Tết, mà ngay khi tiếng chuông báo thời khắc giao thừa vừa điểm, nhiều người đã đến đền, chùa thăm viếng, cầu may.

Đi lễ hoặc chỉ đơn giản là đến chùa xin cành lộc, thắp một nén nhang thơm cầu mong một năm mới thuận hòa, tươi tốt đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam suốt bao đời qua.

Năm mới Quý Mão đã về. Một mùa xuân mới đánh dấu thắng lợi của toàn dân trước đại dịch, vượt qua bao thách thức và hứa hẹn một năm mới ngập tràn năng lượng tích cực, cùng nhau nắm tay đoàn kết để đạt được nhiều mục tiêu mới tốt đẹp hơn năm cũ.

Chùm ảnh phóng viên, cộng tác viên Báo Hải Dương từ các nơi trong tỉnh gửi về miêu tả không khí người dân đi lễ cầu may.


Sáng mùng 1 Tết, nhiều người dân địa phương mang lễ đến đền Kiếp Bạc - ngôi đền thiêng thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đến đây người dân thường cầu mong bệnh tật tiêu trừ, mùa màng tươi tốt


Trong sáng mùng 1, di tích quốc gia đặc biệt chùa Giám (Cẩm Giàng) đã đón các vị khách đầu tiên đến làm lễ cầu may, chủ yếu là người dân địa phương


Cũng như mọi năm, di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) mở cửa đón khách từ sáng sớm mùng 1 Tết. Trong ảnh: Người dân đặt lễ trước ban thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi


Du khách đến tham quan đền Sượt (TP Hải Dương) đã quen với hình ảnh các ông đồ cho chữ cầu mong đỗ đạt, học hành tấn tới


Sau 3 năm hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay người dân được đi lại tự do sau khi dịch bệnh đã được khống chế, vì vậy một số điểm di tích đông nghẹt người đến làm lễ cầu may. Trong ảnh: Ngay trong đêm giao thừa, rất đông người dân đã đổ về chùa Phong Hanh (TP Hải Dương) làm lễ cầu một năm mưa thuận, gió hòa


Di tích lịch sử văn hóa đình Cập Nhất, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) cũng có những người dân đến thắp hương xin lễ ngay sau giao thừa


Hai mẹ con đến thắp hương ngay sau giao thừa tại ngôi chùa nhỏ Bùi Xá, xã Đoàn Kết (Thanh Miện)

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Đầu xuân đi lễ cầu may