Chuẩn bị Tết đến xuân về, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất pháo nổ lại diễn ở nhiều nơi.
Đối tượng Trương Văn Lập bị bắt khi mang pháo tự chế đi bán (ảnh cơ quan công an cung cấp)
Diễn biến phức tạp
Tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ bắt đầu diễn ra nhiều từ đầu tháng 11 đến nay. Pháo nổ các loại theo nhiều đường về Hải Dương, các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ chủ yếu là pháo bánh, pháo quả rời, pháo hoa nổ và phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài.
Trước tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến pháo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dịp cuối năm lực lượng công an đã và đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Từ tháng 11 đến ngày 26.12, cơ quan công an các cấp đã phát hiện, xử lý khoảng 20 vụ liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép.
Hồi 18 giờ 20 ngày 25.12, tại khu vực bãi rễ thuộc khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, Công an TP Chí Linh bắt quả tang Phạm Đức Mạnh (sinh năm 2003, trú tại thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên, Kim Thành) vận chuyển 2 thùng carton chứa 46 kg pháo hoa nổ. Tại cơ quan công an, Mạnh khai nhận vận chuyển số pháo này để bán cho một người đã đặt hàng với số tiền 35,9 triệu đồng.
Không chỉ các đối tượng là nam giới mà cả nữ giới tham gia vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép. Lúc 19 giờ 20 ngày 17.12, tại quốc lộ 5, thuộc địa phận thôn Phương Duệ, xã Kim Xuyên, Công an huyện Kim Thành cùng công an địa phương bắt quả tang Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1994, ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, Kinh Môn) cất giấu 8,4 kg pháo. Hạnh khai đây là pháo mua về để sử dụng vào dịp Tết.
Qua các vụ bị triệt phá cho thấy, các đối tượng có nhiều thủ đoạn nhằm né tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Các đối tượng hoạt động thường đơn lẻ, vào các khung giờ như sáng sớm, giữa trưa hoặc tối. Cùng với đó, hầu hết các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo với số lượng nhỏ nhằm dễ vận chuyển, khó bị phát hiện.
Tự chế tạo pháo
Cùng với hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, thời gian gần đây nổi lên việc sản xuất pháo với mục đích vừa để sử dụng, vừa bán kiếm lời.
Do không có công việc ổn định, cần tiền chi tiêu, đối tượng Trương Văn Lập (41 tuổi, ở thôn Ngoại, xã Minh Hòa, Kinh Môn) đã nghĩ ra cách sản xuất pháo nổ tại nhà. Lập sắm đầy đủ các dụng cụ, thuốc nổ làm pháo. Sáng 16.12, sau khi làm xong 7 bánh pháo nổ, Lập mang đi bán thì bị Công an thị xã Kinh Môn bắt quả tang, thu giữ tang vật.
Công an thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) tuyên truyền và tổ chức cho các gia đình trên địa bàn ký cam kết không vi phạm liên quan đến pháo nổ
Đáng lo ngại hơn, nhiều trẻ vị thành niên cũng tham gia sản xuất pháo nổ để lại nhiều hệ lụy. Các em tham gia việc này một phần do không nhận thức được đây là việc làm vi phạm pháp luật. Nhiều em tự chế tạo pháo để sử dụng và bán cho bạn bè thân quen lấy tiền. Từ ngày 17-22.12, em P.P.H. (sinh năm 2006) và em V.Đ.V. (sinh năm 2006, cùng ở thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) rủ nhau mua, chuẩn bị các nguyên liệu, dụng cụ làm xong 8 quả pháo nổ có kích thước lớn, trọng lượng trung bình hơn 1,3 kg/quả. Sau đó, em H. mang pháo đi bán thì bị Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Cẩm Giàng bắt quả tang.
Đáng lo ngại là hiện nay nhiều trang mạng xã hội có các video clip, bài viết hướng dẫn chi tiết, cụ thể cách chế tạo pháo. Cùng với đó, người dân có thể đặt mua các dụng cụ, kể cả thuốc nổ, dây dẫn trên mạng hoặc trong cộng đồng một cách dễ dàng.
Để phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ, thời gian qua các cấp, ngành, nhất là lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về các quy định liên quan đến phòng chống pháo nổ, nhất là với học sinh, sinh viên. Cơ quan công an cấp xã phối hợp đến từng nhà dân trên địa bàn tuyên truyền, ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sử dụng, sản xuất pháo nổ trái phép.
Hiện nay, trên thị trường, nhiều người rao bán các loại pháo được phép sử dụng do Nhà máy Z121 Bộ Quốc phòng sản xuất. Để tránh vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ khi mua các loại pháo này, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh bị kẻ gian lợi dụng trà trộn hàng nhái, hàng giả.
Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Quý Mão và các ngày lễ hội trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị, địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt, thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND địa phương nào để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
DANH TRUNG