Được nhận về nuôi từ bé, hai người con ở huyện Kim Thành (Hải Dương) được thừa kế thửa đất mẹ nuôi để lại khi qua đời.
Hủy di chúc
Nguyên đơn là bà Trần Thị Mơ trình bày mẹ của bà là cụ Trần Thị Tươi (sinh năm 1930) đã mất năm 2011.
Cụ Tươi sống độc thân, không kết hôn. Từ năm 1965, khi gần 2 tuổi, bà Mơ được cụ Tươi nhận về làm con nuôi, đến nay bà Mơ cũng không biết bố mẹ đẻ là ai.
Đến năm 1976, cụ Tươi nhận thêm ông Huy làm con nuôi và nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, khôn lớn. Cụ Tươi không có con đẻ nào mà chỉ có hai người con nuôi trên đã được họ hàng thừa nhận và UBND xã Kim Anh (Kim Thành) cấp giấy khai sinh.
Khi còn sống, cụ Tươi sở hữu thửa đất số 176, tờ bản đồ số 07 có diện tích 561,9m2 ở xã Kim Anh.
Năm 2005, cụ Tươi đã lập di chúc tặng toàn bộ diện tích đất trên cho ông Trần Văn Bốn (là cháu, gọi cụ Tươi bằng bác ruột). Ngày 11/2/2010, cụ Tươi làm đơn xin rút lại bản di chúc, từ đó đến khi mất, cụ không làm di chúc chia tài sản cho ai.
Sau khi cụ Tươi mất, ông Bốn tự ý sang ở tại thửa đất cho đến nay. Bà Mơ và ông Huy đề nghị giao lại đất nhưng ông Bốn không đồng ý vì cho rằng đã được thừa kế di chúc của cụ Tươi.
Ông Bốn cho biết cụ Tươi có lập bản di chúc với nội dung tặng toàn bộ diện tích đất cho ông. Di chúc có người làm chứng và được UBND xã Kim Anh xác nhận.
Năm 2011, cụ Tươi chết nên vợ chồng ông chuyển ra mảnh đất trên sinh sống, sửa sang, xây dựng công trình từ đó đến nay. Ông Bốn cho rằng việc lập di chúc năm 2005 là hợp lệ, việc rút di chúc có dấu hiệu giả mạo.
Phải trả lại đất
Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành đã xác minh, làm rõ sau khi nhận nuôi thì cụ Tươi cùng ông Huy, bà Mơ sinh sống tại xã Kim Anh luôn quan tâm, yêu thương nhau.
Khi cụ Tươi ốm, ông Huy và bà Mơ đều trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và lo tang cho cụ. Trong giấy khai sinh của ông Huy và bà Mơ đều thể hiện có tên mẹ là cụ Tươi. Do vậy, mặc dù ông Huy và bà Mơ không đăng ký nuôi con nuôi nhưng giữa cụ Tươi và 2 người con nuôi đã tồn tại quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng thực tế.
Tại Nghị quyết số 01 ngày 20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao quy định “Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định”. Đối chiếu theo các quy định trên, tuy đến nay nghị quyết trên đã hết hiệu lực nhưng tại thời điểm cụ Tươi nhận ông Huy, bà Mơ thì các văn bản trên vẫn có hiệu lực.
Hơn nữa, tại sổ hộ khẩu năm 1991, 2002 thể hiện chủ hộ là cụ Tươi có con đẻ là ông Huy, còn bà Mơ lúc đó đi lấy chồng ở tỉnh Quảng Ninh nên không có trong hộ khẩu. Đối chiếu các quy định, hàng thừa kế thứ nhất của cụ Tươi là ông Huy và bà Mơ.
Xem xét di chúc năm 2005 của cụ Tươi, Tòa nhận thấy di chúc có chứng thực của UBND xã Kim Anh cho thấy cụ Tươi sinh năm 1930 đã tự nguyện lập di chúc này, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự phù hợp với quy định của pháp luật. Di chúc có đại diện cơ sở thôn và dòng họ.
Nội dung bản di chúc thể hiện “khi tôi chết thửa vườn 1 sào 8 thước và tài sản nhà cây cối tôi giao cho cháu Trần Văn Bốn...”. Đối chiếu quy định điều 653, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì di chúc chưa đầy đủ nội dung ở điểm di chúc đã viết tắt và không ghi địa chỉ di sản thừa kế. Hơn nữa, năm 2010, cụ Tươi đã đề nghị được rút di chúc. Hiện nay, UBND xã Kim Anh vẫn còn lưu giữ bản xin rút di chúc của cụ Tươi.
Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mơ, xác định di chúc lập năm 2005 của cụ Tươi không có hiệu lực. Tòa xác định ông Huy và bà Mơ được thừa kế thửa đất số 176 với diện tích 561,9m2 của bà Tươi. Còn ông Bốn được hưởng công sức, quản lý, trông coi di sản thừa kế là 50 triệu đồng.
----------------------
Tên các nhân vật trong vụ án đã được thay đổi
THÀNH ĐẠT