Một số doanh nghiệp không phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản...
Mỏ đá Áng Sơn của Công ty liên danh Công trình hữu nghị ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) vẫn nham nhở với những hố sâu hun hút
Theo quy định, sau khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp phải làm thủ tục đóng cửa mỏ và hoàn thổ phục hồi môi trường. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số doanh nghiệp đã “bỏ quên” trách nhiệm này.
Những hố nước hoang
Tại thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn), mỏ đá Áng Sơn đã trở thành một vùng hoang vu, lau sậy um tùm. Sau khi Công ty liên danh Công trình hữu nghị dừng khai thác, nơi đây đã trở thành chỗ chăn thả gia súc, tập kết rác thải của thị trấn Phú Thứ. Nhiều hố đọng nước mưa sâu hun hút. Những hố nông hơn cỏ dại mọc quá đầu người. Khu vực khai thác nham nhở, lồi lõm. Một vùng hoang vu nằm ngay cạnh thị trấn sầm uất.
Ngay trước cổng Công ty CP Trúc Thôn (Chí Linh) có một hố khai thác rộng hàng chục ha, sâu hơn chục mét nước xanh ngăn ngắt. Sau khi hết phần sét trắng quý giá, công ty này đã dừng việc khai thác cách đây trên chục năm. Nhưng đến thời điểm này, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường vẫn chưa được thực hiện. Một phần diện tích đã được công ty dùng chứa nguyên liệu. Phần còn lại vẫn bỏ hoang do đáy hố khai thác không bằng phẳng, không thể nuôi thủy sản.
Cách một con đường bê tông là 2 hồ nước rộng mênh mông trước đây cũng là mỏ khai thác sét của doanh nghiệp này. Sau khi hết hạn khai thác từ năm 2009, công ty xin gia hạn nhưng chưa được cơ quan chuyên môn chấp nhận. Từ đó, những hồ này trở thành nơi thả cá, chăn vịt của người dân địa phương.
Cách đó không xa, diện tích khai thác của Công ty CP Nguyên liệu Viglacera cũng trở thành những ao nước mênh mông, sâu thăm thẳm. Những hố khai thác có diện tích khoảng 9 ha, được cơ quan chức năng cho phép dùng lớp đất thải trên bề mặt để hoàn thổ diện tích đã khai thác. Tuy nhiên, từ khi kết thúc khai thác đến nay, doanh nghiệp này mới hoàn thổ được 5 ha.
Khó do đâu?
Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc các hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn hàng chục dự án đã hết hạn khai thác nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thổ theo quy định.
Khó khăn là lý do được hầu hết các doanh nghiệp đưa ra khi lý giải nguyên nhân chậm hoàn thổ theo quy định. Sau khi khai thác xong mỏ đá Áng Sơn, Công ty liên danh Công trình hữu nghị không đóng cửa mỏ, hoàn thổ theo quy định. Hiện tại, doanh nghiệp này đã bỏ trốn khỏi địa bàn để lại số thuế nợ đọng khá lớn cùng hàng loạt các nghĩa vụ khác chưa thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cho biết: "Gần chục năm nay, khu mỏ đã bị bỏ hoang, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương".
Đối với các khu mỏ của Công ty CP Trúc Thôn, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Mỏ sét Trúc Thôn cho biết dù đã thôi khai thác từ lâu nhưng việc hoàn thổ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm nguồn đất để hoàn thổ. Không có nguồn đất tại chỗ, doanh nghiệp phải tìm kiếm đất hoàn thổ từ tỉnh ngoài, nhưng lại vướng mắc về thủ tục, chi phí khai thác, vận chuyển cao, ảnh hưởng tới hiệu quả dự án. Vì vậy, việc hoàn thổ diễn ra không đúng tiến độ. Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty CP Trúc Thôn triển khai phương án xây dựng hồ điều hòa tại vị trí đã kết thúc khai thác. "Công ty phải thực hiện hoàn thổ 38% diện tích hố khai thác. 62% diện tích còn lại sẽ được cải tạo thành 2 hồ sinh thái điều hòa môi trường kết hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản", ông Trí cho biết thêm.
Theo ông Lê Đức Hoài, Giám đốc Công ty CP Nguyên liệu Viglacera, đến thời điểm này công ty mới hoàn thổ gần 60% diện tích đã khai thác. Phần còn lại trở thành ao nuôi thủy sản của người dân địa phương. Công ty đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng một số mỏ đã được cấp phép. Khi có mặt bằng, công ty sẽ tiến hành khai thác để lấy đất thải hoàn thổ mỏ đã khai thác. Tuy nhiên, sau khi thăm dò, tỷ lệ khoáng sản ở một số mỏ thấp, hiệu quả khai thác không cao. Vì vậy, việc hoàn thổ diện tích còn lại sẽ gặp khó khăn.
Theo quy định của pháp luật, việc cải tạo, phục hồi môi trường phải được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án sau khai thác khoáng sản chưa được doanh nghiệp hoàn thổ nghiêm túc có nguyên nhân từ việc quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện sát sao, gây bức xúc trong nhân dân.
VỊ THỦY