Hỏi: Tôi quay video một nhóm phụ nữ đánh ghen trên đường và phát trực tiếp lên mạng xã hội, việc này có được phép không?
LƯU ĐỨC (Tứ Kỳ)
Trả lời: Theo điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015: Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình; sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp sau không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Nếu việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm các quy định này, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm của cá nhân, thông tin miêu tả hành động chém, giết... bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có quy định tại điều 288 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, hành vi của bạn là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ, bạn có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự hoặc bồi thường trách nhiệm dân sự (nếu có).