Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 3: Cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược

05/06/2020 17:28

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã nhất tề đứng dậy đánh thực dân Pháp xâm lược.

>>Bài 2: Lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền


Quân và dân Hải Dương vào tiếp quản thị xã tháng 10.1954. Ảnh tư liệu

Tháng 12.1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã nhất tề đứng dậy đánh thực dân Pháp xâm lược. Ngay trong tuần đầu kháng chiến, tỉnh ta đã tập trung lực lượng tấn công địch ở các địa bàn trọng yếu như Trường Con gái, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, đánh địch trên đường sông... Quân và dân Hải Dương đã đánh 25 trận lớn nhỏ, phá hủy 2 vị trí địch, diệt 83 tên, bắt sống 21 tên, phá hủy 2 xe cơ giới của địch...

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Trung ương vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đảng bộ đã lãnh đạo thông qua hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân thống nhất từ trên xuống dưới, lấy lực lượng vũ trang làm trụ cột của cuộc kháng chiến, phát huy tinh thần yêu nước, tổ chức được các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đồng lòng đứng lên cứu nước. Trong từng thời điểm, Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương bằng những giải pháp phù hợp.

Giai đoạn 1946-1947, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt các hoạt động thiết thực như cất giấu, di chuyển tài sản, máy móc, tài liệu; tiến hành đào công sự, làm vật cản, phá hoại giao thông và hướng dẫn nhân dân tản cư; thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", "vườn không, nhà trống" đối với nhân dân vùng giáp ranh, vùng chiến sự. Tổ chức đánh địch với phương châm "làm chủ địa bàn", "nếu ban ngày địch sửa đường thì ban đêm ta phá đường"; thực hiện phương châm đánh địch lâu dài, vừa đánh vừa bảo toàn lực lượng; đánh địch bằng chiến tranh du kích...  

Thời kỳ 1948-1949, tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, xúc tiến việc luyện quân tập công, tập dượt đánh những trận vận động tiêu diệt địch, sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi lớn. Các tổ chức đảng sau lưng địch bám đất, bám dân, dù hoàn cảnh khó khăn, chi bộ cũng phải lấy địa phương để hoạt động. Tỉnh Hải Dương mở chiến dịch "Sấm đường 5", phát động toàn dân đánh giặc. Bằng nhiều lối đánh sáng tạo, linh hoạt của quân và dân ta, địch đã nhiều lần trở tay không kịp. Thời kỳ này, cùng với xây dựng làng chiến đấu, tỉnh ta tập trung xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc, thực hiện các biện pháp bao vây kinh tế địch, đồng thời đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, thanh toán nạn mù chữ.

Từ năm 1949-1951, tỉnh thực hiện chủ trương dựa vào dân, bám đất để tiến hành kháng chiến. Tỉnh ủy mở cuộc vận động "Lương giáo đoàn kết", phát động "Tuần lễ giết giặc lập công phối hợp với chiến dịch biên giới". Với phương châm đúng đắn, biện pháp thích hợp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân, dân phối hợp với các mặt trận, các chiến dịch, giành nhiều thắng lợi quan trọng, tạo ra thế và lực mới cho giai đoạn kháng chiến tiếp theo. 

Trong các năm 1952-1954, với việc thực hiện Chỉ thị "Tích cực chuẩn bị chống giặc, phá càn quét" và Nghị quyết "Phá càn quét của giặc" của Tỉnh ủy, quân và dân Hải Dương đánh hàng trăm trận, phá tan âm mưu bình định của giặc. Các lực lượng dân quân, du kích cùng với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đã tiêu diệt địch ở nhiều nơi, nổi bật là các trận đánh dọc 2 tuyến đường 5, đường sắt từ Kim Thành đến Cẩm Giàng vào tháng 3 và tháng 4.1954.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hải Dương đã anh dũng chiến đấu. Với tinh thần "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", quần chúng nhân dân đã không tiếc công, tiếc của dồn sức cho cuộc chiến đấu. Trên các tuyến đường giao thông quan trọng như đường 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hằng ngày có hàng vạn người cùng với bộ đội phá cầu, cuốc đường chặn đường tiếp viện của địch, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hải Dương đã đánh 13.681 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 38.733 tên địch, bắt và gọi hàng 27.805 tên, thu 8.011 khẩu súng các loại và hàng triệu viên đạn; phá hủy 121 đầu máy, 912 toa xe lửa, 762 xe quân sự, 25 ca nô, tàu chiến của địch. Nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử như trận đánh ca nô giặc trên sông Văn Úc; các đợt tổng công kích dọc 2 tuyến đường5, đường sắt từ Kim Thành đến Cẩm Giàng... Những chiến thắng của quân và dân Hải Dương đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Với thành tích đó, Đảng bộ và nhiều chiến sĩ, nhân dân Hải Dương đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được Chính phủ tặng 21 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Kháng chiến, 207 Huân chương Chiến công và 120.700 Huân chương các loại; 119 đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua các cấp và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tiêu biểu.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 3: Cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược