Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi chú trọng phát triển y tế cơ sở. Nhưng y tế cơ sở là y tế nào, huyện hay xã?
Đầu tư cho y tế huyện chính là đầu tư cho y tế cơ sở, đầu tư cho người nghèo, cho an sinh xã hội. Ảnh minh họa
Tôi đặt câu hỏi như vậy vì y tế Việt Nam phân thành ba cấp kỹ thuật: tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên trong ngôn ngữ hàng ngày cũng như trong tư duy làm việc thì một cách không chính thức, hệ thống y tế được phân theo bốn cấp tương ứng với đơn vị hành chính: tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã. Vậy vai trò của y tế huyện nằm ở đâu?
Trước đây tôi làm ở tuyến trung ương nên không thấy rõ điều này, từ ngày về hưu, chuyển sang làm ở bệnh viện tuyến huyện, tôi mới có nhiều thực tế.
Về mặt phân cấp kỹ thuật, y tế tuyến huyện được xếp vào y tế cơ sở, như các xã. Nhưng dưới con mắt chính quyền, rõ ràng y tế tuyến huyện là cấp trên của trạm y tế xã. Các sở y tế tỉnh chỉ đạo xuống y tế huyện, rồi huyện chỉ đạo xuống xã. Như vậy, phân cấp kỹ thuật của ngành y với phân cấp hành chính của chính quyền vênh nhau. Thực tế, khi nói y tế cơ sở là muốn nói đến y tế xã phường, còn tuyến huyện ở mức độ nào đấy bị bỏ quên.
Bộ Y tế đã có chương trình 10 năm (2011-2020) củng cố y tế cơ sở, thực chất là nhằm vào y tế xã, qua bộ tiêu chí quốc gia. Đến năm 2020 tổng kết chương trình, 94% số xã trên toàn quốc đạt chuẩn hoàn thành bộ tiêu chí. Tức là chương trình đã thành công. Tuy nhiên nhiệm vụ của ngành y vẫn rất nặng nề, vì bộ tiêu chí quốc gia dành cho y tế xã vẫn còn rất thấp so với đòi hỏi chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội.
Qua một số tiêu chí chính như: nhân lực 5 đến 10 người, có bác sĩ làm việc tại xã 3 ngày mỗi tuần, có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, máy thử đường máu... có thể thấy công việc của trạm y tế xã vẫn chủ yếu là công tác phong trào như cũ. Qua đợt này, sổ sách giấy tờ sẽ chuẩn chỉ hơn, còn công tác điều trị không cải thiện là bao. Người dân có bệnh vẫn đi thẳng lên huyện hoặc tỉnh, nhất là từ khi bảo hiểm y tế thông tuyến.
Nếu chỉ chú trọng đầu tư cho y tế xã như vừa qua, sẽ rất dàn trải vì cần rót tiền xuống gần 10.000 xã, và nhân lực của xã cũng không đủ để tiếp thu các kỹ thuật y khoa cao. Tôi thấy nhiều xã nhận máy siêu âm và máy điện tim rồi trùm khăn để đấy vì không có người sử dụng.
Trên địa bàn huyện, quan trọng nhất là bệnh viện huyện. Đây là trung tâm kỹ thuật y tế cao nhất của một huyện, người dân tự đến trực tiếp hoặc các xã gửi lên. Bệnh viện huyện có các trang bị y khoa cần thiết như xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm... thực hiện được mổ lấy thai, phẫu thuật về xương, về ổ bụng, cấp cứu và điều trị nội khoa ở mức độ vừa... Bệnh viện huyện thực sự là bệnh viện gần dân nhất. Cùng với bệnh viện đa khoa huyện còn có trung tâm y tế dự phòng, có vai trò quyết định trong phòng chống dịch trên địa bàn.
Vai trò của y tế tuyến huyện quan trọng như vậy nhưng số phận của các tổ chức này khá long đong. Năm 1998, các tổ chức y tế trên địa bàn huyện như bệnh viện, y tế dự phòng, bà mẹ trẻ em... được hợp nhất thành trung tâm y tế huyện. Thấy khó quản lý quá, năm 2005, mô hình này lại tách ra thành ba bộ phận: phòng y tế thuộc ủy ban huyện, quản lý các trạm y tế xã; bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng thuộc sở y tế. Tách ra một thời gian vẫn thấy chồng chéo, nên gần đây nhất, thông tư 37/2016/TT-BYT lại quy định sáp nhập tất cả thành một trung tâm y tế huyện như cũ.
Dù tách hay nhập thì trong dân vẫn chỉ tồn tại một địa chỉ thân thương là bệnh viện huyện. Giúp được cho người nghèo nhiều nhất chính là bệnh viện huyện. Thực tế chữa bệnh hàng ngày cho tôi thấy: phần lớn người nghèo chỉ lên đến bệnh viện huyện rồi quay về, khỏi thì tốt mà không thì cũng về nhà chờ số mệnh. Trong 100 người đã đến bệnh viện huyện, trên 90 người ở lại điều trị, toàn là người nghèo, không có tiền lên tuyến trên.
Khi tôi nêu ý kiến về cổ phần hóa y tế, nhiều người lo ngại người nghèo sẽ bị tổn thương, nên tôi viết tiếp bài này để chỉ rõ rằng người nghèo hiện nay đang dựa chủ yếu vào bệnh viện huyện. Trong đề xuất của tôi, bệnh viện huyện thuộc tuyến y tế cơ sở, là nơi không cổ phần hóa, mà đáng được đầu tư hơn nữa.
Nếu chú trọng đầu tư cho tuyến huyện, mà hạt nhân là bệnh viện huyện, sẽ có thay đổi thấy ngay. Trước hết, số lượng địa chỉ cần đầu tư sẽ tập trung hơn, cả nước có 700 huyện. Thứ hai, tuyến huyện có các khoa, bộ máy tương đối hoàn chỉnh, sẽ dễ dàng tiếp nhận các kỹ thuật, các đầu tư. Thứ ba, bệnh viện huyện có nguồn "khách hàng" đông nhất, gần dân nhất. Người dân, nhất là người nghèo, sẽ ngay lập tức hưởng lợi từ đầu tư này.
Với khoảng 10 tỷ đồng đầu tư cho mỗi bệnh viện, nếu không có "phết phẩy ăn chia", sẽ mua được những máy hiện đại như: máy sinh hóa tự động, máy miễn dịch tự động, máy siêu âm màu, máy chụp cắt lớp vi tính 16 dãy - những điều kiện cần để tạo được thay đổi rõ rệt về chất lượng chuyên môn. Khi có đầu tư, có phát triển chuyên môn, bệnh viện huyện sẽ hấp dẫn hơn với nhân lực y tế, không phải lo bác sĩ dứt áo ra đi.
Cả nước đã có một số mô hình bệnh viện huyện phát triển chuyên môn, thực hiện được các kỹ thuật cao của bệnh viện tuyến trên như cấp cứu tim mạch, nong động mạch vành, mổ chấn thương sọ não như bệnh viện huyện Củ Chi, bệnh viện quận Thủ Đức... Các bệnh viện thuộc kỹ thuật hạng 3 này đã từng bước tiến lên thành bệnh viện hạng 1.
Tôi hy vọng sắp tới y tế tuyến huyện sẽ hết long đong. Đầu tư cho y tế huyện chính là đầu tư cho y tế cơ sở, đầu tư cho người nghèo, cho an sinh xã hội, góp phần tháo gỡ những khó khăn cơ bản của ngành y, thể hiện sự ưu việt của chế độ.
Theo VnExpress