Ngày 12/12, WHO bày tỏ lo ngại về hoạt động kiểm tra an ninh đối với các đoàn xe chở thiết bị y tế tại Dải Gaza và việc tạm giữ các nhân viên y tế.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một phái đoàn do WHO đứng đầu làm nhiệm vụ tại bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza cuối tuần qua đã bị lực lượng Israel chặn lại 2 lần tại chốt an ninh Wadi, trên đường đến phía Bắc dải Gaza và theo chiều ngược lại. Ông cho biết một số nhân viên của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cũng bị tạm giữ trong các đợt kiểm tra này. Phái đoàn này vận chuyển 19 bệnh nhân nặng và các thiết bị y tế để hỗ trợ 1.500 bệnh nhân tại bệnh viện Al-Ahli vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng kể từ khi xung đột bùng phát hồi đầu tháng 10.
WHO cho rằng những đợt kiểm tra an ninh kéo dài và việc tạm giữ các nhân viên y tế chính là gây nguy hiểm cho các bệnh nhân. Ông Tedros cho biết do chậm trễ, 1 bệnh nhân đã tử vong trên đường đi vì các vết thương nguy hiểm mà không được chữa trị kịp thời.
Đây không phải lần đầu tiên các nhân viên y tế bị tạm giữ trong khi thực hiện nhiệm vụ tại Dải Gaza. WHO cho biết ngày 18/11, nhóm vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện Al-Shifa cũng bị chặn lại và 6 thành viên bị tạm giữ, trong đó có 4 người đến nay chưa được thả.
Cùng ngày, đại diện WHO tại Vùng lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng, Richard Peeperkorn, cho biết chỉ có 11 bệnh viện tại Dải Gaza, tức là chưa đến 1/3 tổng số bệnh viện tại dải đất này, còn hoạt động nhưng không đầy đủ. Phát biểu tại cuộc họp báo qua video, quan chức WHO cho biết chỉ trong 66 ngày, số bệnh viện còn hoạt động tại Dải Gaza giảm mạnh từ 36 xuống 11 bệnh viện, trong đó 1 bệnh viện ở phía Bắc và 10 bệnh viện ở phía Nam. WHO hy vọng sẽ không có bệnh viện nào khác bị tê liệt.
Trong khi đó, người phát ngôn cơ quan y tế Dải Gaza Ashraf al-Qudra cho biết lực lượng Israel đang bố ráp bệnh viện Kamal Adwan ở phía Bắc sau khi vây hãm và ném bom cơ sở này trong vài ngày. Quân đội Israel chưa có thông báo chính thức về đợt tấn công này. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), bệnh viện này đang điều trị cho 65 bệnh nhân, trong đó có 12 trẻ em thuộc khoa chăm sóc đặc biệt và 6 trẻ sơ sinh trong lồng ấp. Bên cạnh đó, khoảng 3.000 người sơ tán tránh xung đột cũng đang mắc kẹt tại cơ sở này trong tình trạng thiếu điện, nước, thực phẩm và chờ được đưa đến nơi an toàn.
Theo báo Tin tức