Kiếm tiền đúng pháp luật, hợp đạo lý, phải cân bằng hai vế này, tên tuổi doanh nhân sẽ được xã hội ghi nhận, tôn vinh.
Lý do Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ chạy khỏi khu "đất vàng" ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã được người trong cuộc thừa nhận.
Trong tâm thư của mình, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn thừa nhận: "Việc đấu giá đất cao quá mức có thể dẫn đến hệ lụy không tốt là làm xáo trộn hoạt động kinh doanh bất động sản và nền kinh tế nói chung". Các chuyên gia cũng đã phân tích hệ lụy của mức giá bất thường này.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng vụ đấu giá được tiến hành công khai, với điều kiện ngặt nghèo, có khả năng ông Đỗ Anh Dũng không vi phạm các quy định pháp luật. Nếu nghĩ theo cách này, trong tương lai có thể xảy ra vụ việc tương tự, các ông chủ vẫn đấu giá đúng quy định nhưng vẫn để lại hệ lụy cho xã hội.
Kinh nghiệm cho thấy xã hội phát triển, nhưng pháp luật thường không theo kịp. Từ đó, những người có điều kiện tận dụng các "đứt gãy" khi pháp luật chưa tương thích với thực tế để trục lợi. Trường hợp này phải xử lý ra sao? Về pháp lý, có thể "không có gì sai". Nhưng ngoài pháp luật còn có một rào cản khác, đó là đạo lý.
Nếu đúng pháp luật (do chưa điều chỉnh, chưa cập nhật phù hợp) nhưng không hợp đạo lý, có gì đó vẫn không ổn, xã hội vẫn phải trả giá. Vì thế, doanh nhân không thể kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, kể cả trong nền kinh tế thị trường.
Milton Friedman, nhà kinh tế Mỹ từng đoạt giải Nobel và là người bảo vệ tối đa chủ nghĩa kinh tế thị trường không có sự can thiệp của nhà nước, vào thập niên 1970 phải thừa nhận làm gì thì làm, doanh nhân phải có trách nhiệm xã hội.
Một người "cuồng" kinh tế thị trường như Friedman ở nền kinh tế phát triển bậc nhất như tại Mỹ mà còn đặt vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nhân cách đây hơn nửa thế kỷ là điều các doanh nhân phải suy nghĩ. Tại Việt Nam, doanh nhân càng có vai trò trách nhiệm xã hội và lương tâm xã hội cao hơn để thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh và công bằng.
Trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, trách nhiệm xã hội của người tham gia là làm sao để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, cơ hội có nhà ở không tuột khỏi tầm tay đại đa số người dân. Đưa ra mức đấu giá đất cao bất thường, đẩy mặt bằng giá nhà đất tăng cao, hàng triệu người thu nhập thấp khó mua được nhà, như vậy, được mình mà mất cho cả mọi người. Có nên chăng?
Tương tự, vụ ông tỉ phú "bán chui" cổ phiếu đã giội gáo nước lạnh vào cơ hội phổ cập đầu tư chứng khoán, trong khi Chính phủ kiên trì mục tiêu biến thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế thay vì ngân hàng.
Thực tế nhiều doanh nghiệp tên tuổi trên thế giới, kinh doanh đúng pháp luật, nhưng do không chú ý đến trách nhiệm xã hội, chỉ lo cho túi tiền, cho những tính toán của mình, thậm chí là viển vông, bất chấp giá phải trả về môi trường, kinh tế, xã hội, đã bị người tiêu dùng tẩy chay, thương hiệu gầy dựng nhiều năm bị sứt mẻ.
Đó là cái giá phải trả lớn nhất, hơn cả những kết cục về mặt pháp lý (nếu có) sau này. Kiếm tiền đúng pháp luật, hợp đạo lý, phải cân bằng hai vế này, tên tuổi doanh nhân sẽ được xã hội ghi nhận, tôn vinh.
Theo Tuổi trẻ