Quốc phòng

Chuyện người chiến sĩ Điện Biên cuối cùng ở làng tôi

KHÚC GIA TRANG 08/05/2024 11:00

Sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, làng tôi có 7 người lính trở về. Người làng gọi họ là “anh bộ đội Điện Biên”. 70 năm qua, họ cứ lần lượt ra đi, bây giờ chỉ còn lại một người. Đó là ông Nguyễn Văn Sập.

00:00

anh-ong-sap.jpg
Ông Nguyễn Văn Sập, chiến sĩ Điện Biên còn lại của làng Thiên xưa, nay là khu dân cư Lạc Sơn, phường Thái Học (Chí Linh)

Trốn nhà trong đêm để đi đánh giặc

Năm 1949, giặc Pháp nhảy dù chiếm làng, xây dựng bốt Thiên, lập làng tề, đôn quân bắt lính, càn quét vùng tự do, khống chế phong trào kháng chiến.

Năm 1952 khi 17 tuổi, chàng trai làng Thiên (nay là khu dân cư Lạc Sơn, phường Thái Học) Nguyễn Văn Sập là con út một gia đình nông dân nghèo, đang đêm trốn nhà ra vùng tự do. Vượt qua đồn giặc đường 18, anh tìm đường vào Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (cùng ở Chí Linh ngày nay) là khu căn cứ của Việt Minh, xin tòng quân.

Được bổ sung vào Trung Đoàn 246, anh cùng đồng đội vừa hành quân lên Tây Bắc rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Vừa được 2 tuổi quân, anh được điều về đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhanh nhẹn, mưu trí, lại gan góc nên anh được giao nhiệm vụ trong đại đội trinh sát. Anh cùng đồng đội luồn sâu vào cứ điểm Độc Lập, đồi A1 vẽ địa hình, theo dõi quy luật di chuyển của địch đem về báo cáo cấp trên, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sau Hiệp định Giơ - ne - vơ, đơn vị anh được điều động lên huyện Bắc Hà (Lào Cai) làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Tại đây, anh đã bị thương trong một trận đọ súng ác liệt với thổ phỉ.

20 tuổi đời, đang phơi phới sức xuân, người lính Điện Biên, anh thương binh Nguyễn Văn Sập khoác ba lô phục viên về làng. Nhìn tấm huy hiệu Điện Biên lấp lánh trên ngực anh, người làng ai nấy đều trầm trồ nể phục.

Nhà nghèo, mồ côi cha từ sớm, mẹ già, anh chăm chỉ lao động sản xuất, tham gia tổ đổi công, vào hợp tác xã nông nghiệp, nuôi mẹ già. Rồi anh lấy vợ, hai vợ chồng tảo tần sớm khuya, bám đồng ruộng, xóm làng, chồng cày vợ cấy, trong 3 năm sinh hai đứa con.

Tái ngũ vào miền Nam chiến đấu

Năm 1965, anh lên đường tái ngũ, hòa cùng khí thế của những chiến sĩ trẻ 18-19 tuổi, hừng hực lên đường vào Nam chiến đấu. Anh được biên chế về đơn vị bộ binh thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 308, quân chủ lực. Là chiến sĩ Điện Biên, đã kinh qua chiến đấu, anh được giao nhiệm vụ Tiểu đội phó.

Anh đã đi dọc ngang các mặt trận, tham gia các trận đánh lớn ở Bình Long, Phước Long, nhiều lần chết hụt trong trận Đồng Xoài, Long An, vào giáp Campuchia.

Cũng từ trong chiến đấu, anh đã nhanh chóng trưởng thành, được phong chức vụ Đại đội phó, thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7. Đơn vị anh nhận nhiệm vụ vận tải hàng phục vụ chiến trường, từ miền Bắc chuyển vào, từ biên giới Campuchia chuyển sang.

Sau ngày giải phóng miền Nam, anh vẫn công tác ở Cục Hậu cần Quân khu 7, rồi về tăng cường cho tỉnh Đồng Nai làm công tác tổ chức Đảng. Chưa quen hết việc, anh lại có quyết định từ Đồng Nai trở ra Bắc, về Đoàn 870 thuộc Quân khu Thủ đô. Cuối cùng từ đây anh được bổ sung về một đơn vị làm nhiệm vụ sản xuất tăng gia, với cấp bậc đại úy, Tiểu đoàn trưởng.

Trở về góp sức xây dựng quê hương

Năm 1982, khi vào tuổi 47 người chiến sĩ Điện Biên năm ấy, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Sập khoác ba lô về làng, nghỉ hưu.

Ông chưa phải già, cũng không còn trẻ nữa. Ngày đầu, sau chút ngỡ ngàng bởi nhiều năm xa quê rồi ông tiếp tục cày cuốc, chăn nuôi trồng trọt cùng người vợ đã đằng đẵng chờ chồng 10 năm, thờ mẹ, nuôi con. Hai con lớn đến tuổi trưởng thành, yên bề gia thất.

Lương hưu của đại úy và phụ cấp thương binh hạng 4/4, không đủ chi dùng cho gia đình, ông dành dụm tiền, mua máy xay xát bột cho trẻ em, xay đỗ gia công để hằng ngày có thêm đồng tiền mua rau mắm.

Bạn ông, những chiến sĩ Điện Biên năm nào theo thời gian cứ lần lượt ra đi. Đến nay chỉ còn mình ông. Những năm trước, ông Sập cùng các bạn rủ nhau tự lập ra “Hội gia đình chiến sĩ Điện Biên”, ông vẫn mời các bạn về nhà mình gặp mặt. Có năm, đủ cả 7 đôi vợ chồng trong hội tập trung, vui vẻ lắm... Các ông ôn lại thời máu lửa xông pha trên chiến trường Tây Bắc, Chiến dịch Điện Biên Phủ với biết bao kỷ niệm oai hùng.

Ông Sập có nhiều cống hiến nhưng chẳng để ý đến mình. Những ngày lễ trọng đại, xung quanh đồng đội người nào cũng rực rỡ huy chương trên ngực, còn ông thì quá khiêm tốn. Bây giờ về hưu, nhìn lại ông thấy quý nhất chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên đã bạc màu bởi chiến trường trải rộng, đạn bom liên miên, di chuyển liên tục...

KHÚC GIA TRANG
(0) Bình luận
Chuyện người chiến sĩ Điện Biên cuối cùng ở làng tôi