Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, tỉnh Hải Dương có 402 liệt sĩ, đều đã xác định rõ quê quán, năm nhập ngũ, thời điểm hy sinh, cấp bậc, chức vụ và còn thân nhân hoặc người thờ cúng.
Tỉnh Hải Dương có 402 liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn thân nhân, người thờ cúng đang thường trú tại Hải Dương.
Số liệt sĩ trên ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương. Trong đó, huyện Gia Lộc có nhiều người hy sinh nhất tỉnh Hải Dương trong chiến dịch này (78 liệt sĩ), tiếp đến là huyện Kim Thành (49 liệt sĩ), huyện Ninh Giang (47 liệt sĩ), Thanh Miện (44 liệt sĩ), Nam Sách (31 liệt sĩ)...
Hầu hết các liệt sĩ đều hy sinh năm 1954, tại các vị trí xảy ra những cuộc đụng độ quyết liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp như đồi A1, sân bay Điện Biên, đồi Độc Lập, Hồng Cúm, Mường Thanh, đồi A2, đồi Xám Nấm... Trong danh sách này, một số chiến sĩ người Hải Dương hy sinh sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, như đại đội phó Mạc Văn Nghĩa (sinh năm 1927, ở Đồng Lạc, Nam Sách) hy sinh ngày 8/5/1954; chiến sĩ Lương Văn Chùm (sinh năm 1927, ở Liên Hòa, Kim Thành, thuộc E99) hy sinh ngày 20/7/1954; tiểu đội phó Phạm Văn Khê (sinh năm 1930, ở Toàn Thắng, Gia Lộc, thuộc F326) hy sinh ngày 1/7/1954 khi công đồn A1; chiến sĩ Vũ Văn Nói (quê Thanh Miện, thuộc F312) hy sinh ngày 30/10/1954 khi tấn công đồi Độc Lập...
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Hải Dương và các địa phương, sở, ngành... đang có nhiều hoạt động tri ân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, quân nhân và thân nhân những người trực tiếp tham gia chiến dịch.
TIẾN HUY