Chuyển đổi số - đòi hỏi cấp bách, sống còn của doanh nghiệp

15/01/2021 07:01

Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Để chuyển đổi số hiệu quả, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ...


Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong ảnh: Công ty TNHH Long Hải là một  trong số ít doanh nghiệp tiên phong áp dụng công nghệ tự động, đưa robot vào phục vụ sản xuất                         

Kinh tế số là xu thế phát triển tất yếu. Chuyển đổi số đang là một đòi hỏi cấp bách, sống còn với các doanh nghiệp (DN) để phát triển, tăng sức cạnh tranh và bứt phá. Cơ hội cho các DN chuyển đổi số là rất lớn nhưng cũng còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Cơ hội

Thế giới ngày nay phát triển với tốc độ số hóa nhanh chưa từng có. Trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, số lượng người kết nối internet trên khắp thế giới đã tăng từ 350 triệu lên hơn 4 tỷ. Cũng trong khoảng thời gian đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng từ 750 triệu lên trên 5 tỷ người. Ngoài ra, nền kinh tế số đã bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu. Tốc độ số hóa và cách tân công nghệ mở ra triển vọng mới, mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới.

Mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Quá trình chuyển đổi số hứa hẹn giúp các DN giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động, 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3năm tiếp theo.

Theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm2030 GDP ASEAN có thêm 1.000tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.

Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam; trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000DN đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.

Theo Temasek, Bain& Company (năm 2019), kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Có thể thấy, chuyển đổi số là cánh cửa để Việt Nam tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là vận hội, thời cơ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chuyển đổi số là cơ hội, lợi thế của Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng được chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển”.


Chuyển đổi số sẽ giúp tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Trong ảnh: Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Nam Sách) là 1 trong 3 doanh nghiệp của Hải Dương được Bộ Công thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2019  

Thách thức

Bước vào nền kinh tế số, các DN Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên. Đại dịch Covid-19 khiến cho sự dịch chuyển, chuyển đổi sang môi trường kinh doanh số trở thành vấn đề “sống còn” đối với các DN vừa và nhỏ.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), hiện nay có khoảng 15% số DN đang chuyển đổi số trên cả nước, chiếm khoảng 15%. 99% số DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên chuyển đổi số vẫn chỉ là sự “khao khát” của khoảng 72% DN nhỏ và vừa. Số còn lại cho rằng chuyển đổi số là việc của các DN lớn.

Cũng theo khảo sát của VINASA với trên 500 DN tổ chức, tham gia Diễn đàn cấp cao CNTT và truyền thông - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực và cách thức chuyển đổi số. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.  

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (LinkSME) cho biết trong hạ tầng liên quan đến kết nối, thì Việt Nam so với một số nước ở khu vực như Indonesia và Thái Lan, chúng ta có chỉ số tương đối tốt. 82% là tỷ lệ thuê bao băng rộng trên tổng dân số, đối với cả băng rộng cố định thì chúng ta là 12%, trong khi đó thì Thái Lan chỉ có 11%. Đối với cả nền tảng thanh toán thì chỉ số của Việt Nam hơi thấp so với một số nước xung quanh. Chúng ta có 22% là tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số trong năm vừa qua, trong khi đó Thái Lan là 62% và Indonesia 34%. Như vậy là sự sẵn sàng của nền tảng công nghệ số cũng tương đối tốt và một số nhà mạng bắt đầu triển khai 5G. Cơ hội cho DN vừa và nhỏ đang đến, nếu không tận dụng thời cơ này thì nguy cơ thách thức ở đây là sẽ tụt lùi.

Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về CNTT sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế.

Để hỗ trợ các DN chuyển đổi số hiệu quả hơn, ngày 3.12.2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa" (LinkSME) nhằm triển khai Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là đến năm 2025, sẽ có 100% số DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số.

Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với các DN vừa và nhỏ khi chuyển đổi số cần sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua sử dụng các nền tảng. Đó cũng là lý do trong năm 2020 - Năm Chuyển đổi số quốc gia, ngày thứ sáu công nghệ hằng tuần đã giới thiệu những nền tảng công nghệ Make in Việt Nam, để các DN nhỏ và vừa có thể sử dụng với chi phí hợp lý, bảo đảm an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Trước cơ hội chuyển đổi số mang đến cho Việt Nam cũng như để vượt qua những khó khăn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Việt Nam cần chọn chiến lược chuyển đổi số gồm ba bước. Thứ nhất, cần đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số chính phủ. Chuyển đổi số trong DN, trong xã hội sẽ tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Thứ hai, Việt Nam cần phải sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Cuối cùng, Việt Nam cần tiến tới xây dựng thành công nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số mới. Các ngành công nghiệp này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Với sự quyết tâm của chính phủ, sự tham gia tích cực của các DN CNTT và sự đồng thuận của người dân, hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ xây dựng được một nền tảng công nghệ số có thể kết nối hàng triệu người, hàng nghìn DN, cùng chia sẻ thông tin, lợi thế, thúc đẩy mọi yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội cùng phát triển trong môi trường số.

DIỆP NINH-THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số - đòi hỏi cấp bách, sống còn của doanh nghiệp