Khoa học - Công nghệ

Có bắt buộc thu thập ADN và giọng nói khi làm căn cước từ ngày 1/7?

TB (theo Tuổi trẻ) 21/04/2024 17:16

Từ ngày 1/7, khi người dân làm căn cước, cơ quan công an sẽ thu thập mống mắt, vân tay, hình ảnh khuôn mặt bổ sung vào cơ sở dữ liệu; riêng ADN, giọng nói không bắt buộc.

Mẫu căn cước mới đang được Bộ Công an lấy ý kiến - Ảnh: Bộ Công an
Mẫu căn cước mới đang được Bộ Công an lấy ý kiến

Từ ngày 1/7, Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành.

Một trong những điểm mới của Luật Căn cước so với Luật Căn cước công dân là người dân sẽ tích hợp thông tin ADN, giọng nói, mống mắt vào trong cơ sở dữ liệu căn cước khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

Vậy người dân khi đi làm căn cước mới có bắt buộc phải cung cấp thông tin ADN, giọng nói không và việc cung cấp thông tin mống mắt sẽ như thế nào?

Khi nào thu nhận thông tin mống mắt?

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho hay việc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt sẽ được thực hiện đối với người dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp căn cước mới từ ngày 1/7.

Việc thu nhận thông tin mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.

Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất.

Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước.

Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau như vân tay, ảnh khuôn mặt cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh.

Do đó, việc thu nhận thông tin mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.

ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp

Liên quan đến thông tin về ADN, giọng nói, đại diện Cục C06 cho hay Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp.

Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng.

Từ đó, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Như vậy, từ ngày 1/7, trong thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận buộc phải thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp căn cước. Còn thông tin ADN, giọng nói là không bắt buộc.

Thông tin ADN, giọng nói được cung cấp dựa vào sự tự nguyện của người dân.

Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định mới phải cung cấp ADN, giọng nói.

Về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, đại diện cục khẳng định đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.

Luật Căn cước mới quy định người dân không phải nộp lệ phí khi được cấp căn cước lần đầu. Như vậy, đối với các trường hợp người dân lần đầu cấp căn cước không phải nộp lệ phí.

TB (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có bắt buộc thu thập ADN và giọng nói khi làm căn cước từ ngày 1/7?