Chung sức vì Tết ấm của người lao động

23/12/2022 06:58

Trước nỗi thấp thỏm của người lao động trong tình hình khó khăn chung, cần lắm những cuộc "chạy tiếp sức" từ cả cộng đồng để chăm lo cho cái Tết ấm đã cận kề.

Ngày 21.12, tại cuộc làm việc của ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng đoàn công tác Trung ương tại TP Hồ Chí Minh, nội dung về tình hình lao động việc làm, lương thưởng tết để kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn đã được bàn luận sâu sắc.

Chú thích ảnh

Doanh nghiệp sớm công bố mức thưởng Tết để người lao động không lo lắng. Ảnh: TTXVN

Đại diện các doanh nghiệp của khu vực tập trung đông bậc nhất cả nước các cơ sở sản xuất kinh doanh đã chia sẻ về những khó khăn của đơn vị trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước. Đơn hàng sụt giảm, chi phí tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công, hoặc cố gắng hết sức thì luân phiên giảm giờ làm để cầm cự. Lương, thưởng Tết cho người lao động thực sự là nỗi trăn trở thường trực trong giai đoạn này của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Các doanh nghiệp phải cố gắng hết sức để đảm bảo sự ổn định nguồn lương và xoay sở để có thưởng Tết cho người lao động. Bản thân người lao động cũng chia sẻ khó khăn này của doanh nghiệp.

Truyền thống của người Việt Nam ta từ xưa, là dù đời sống có khó khăn tới đâu, thì cái Tết cũng luôn cố gắng xoay sở cho tươm tất, đủ đầy. Bởi Tết là thời điểm nhìn lại một năm nỗ lực, và mang tới hy vọng một năm mới nhiều hơn nữa những điều tốt lành. Mong ước một cái tết tươm tất cũng chính là quyền lợi chính đáng của người lao động. Cách đây ít ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16.12.2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Trong Công điện có nội dung quan trọng về chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và đề nghị các Bộ ngành, tổ chức liên quan, các địa phương và chủ sử dụng lao động phối hợp để triển khai các giải pháp vượt qua khó khăn, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cũng như việc đi lại của người lao động trong dịp Tết, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh

Lương thưởng Tết 2023 được nhiều lao động mong đợi

Có thể nói, Công điện này của Thủ tướng đã đề cập một cách toàn diện, giao nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng cấp, từng ngành, thể hiện sự quan tâm sâu sát tình hình thực tế hiện nay và nguyện vọng của đông đảo người lao động. Các doanh nghiệp, các địa phương và các tổ chức của công nhân, công đoàn nhanh chóng triển khai các nội dung chỉ đạo của Công điện, tiếp tục các hoạt đông hỗ trợ người lao động và nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn chung. Mỗi mức thưởng Tết được dự trù đưa ra, dù ít dù nhiều, mang trong đó tấm lòng và sự cố gắng vượt bậc của người sử dụng lao động và các ban ngành hữu quan.

Trong tình hình hiện nay, có thể nói các cấp, các ngành và các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực hết sức để vượt qua những thách thức trong việc ổn định sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, một sự chung tay của toàn xã hội, trong việc đề xuất các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kêu gọi huy động các nguồn lực theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong toàn thể cộng đồng… là điều hết sức cần thiết. Hơn lúc nào khác, các cá nhân và tổ chức thiện nguyện vốn đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ của mình, như cuộc chạy tiếp sức để cùng các doanh nghiệp, địa phương và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc cho người lao động. Bởi lẽ, có đảm bảo được sự ổn định trong đời sống, cụ thể là vào dịp Tết sắp tới của người lao động hôm nay, thì mới tạo được nền móng vững chắc cho giai đoạn phục hồi tiếp theo của cả nền kinh tế.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung sức vì Tết ấm của người lao động