Theo số liệu mới nhất, cứ 10 người trên thế giới thì có một người đang thiếu ăn, hơn 2 tỷ người trên thế giới không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Diễn đàn Toàn cầu về Lương thực và Nông nghiệp (GFFA) là hội nghị quốc tế thường niên do Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức (BMEL) tổ chức.
GFFA 2024 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị CityCube Berlin từ ngày 17 - 20/1 nhằm tăng cường kết nối và tạo thêm động lực cho đối thoại quốc tế trong lĩnh vực chính sách nông nghiệp.
Làm cho hệ thống thực phẩm phù hợp hơn với tương lai và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 sẽ đòi hỏi những nỗ lực to lớn, trong khi cộng đồng quốc tế chỉ còn 7 năm nữa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG).
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất, cứ 10 người trên thế giới thì có một người đang thiếu ăn. Hơn 2 tỷ người trên thế giới không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Điều đó là thách thức đối với vấn đề an ninh lương thực, vốn là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.
Bên cạnh đó, nỗ lực chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu lại liên tục phải đối mặt với những trở ngại mới và lớn hơn bao giờ hết, như khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học, tác động của đại dịch COVID-19, chiến tranh và xung đột.
Hơn nữa, các cuộc đối thoại đa phương vẫn bị lu mờ chủ yếu bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và hậu quả của xung đột đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Hội nghị GFFA lần thứ 16 với chủ đề "Hệ thống thực phẩm cho tương lai: Chung sức vì một thế giới không còn nạn đói" tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và chủ quyền lương thực; Hỗ trợ chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững; Giảm thất thoát, lãng phí lương thực; Hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương.
GFFA 2024 nhằm mục đích làm sâu sắc thêm và tăng cường đối thoại chính trị nông nghiệp. Khoảng 2.000 nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp... đã cùng tham gia các phiên thảo luận và kết nối.
Điểm nhấn chính trị của GFFA là Hội nghị không chính thức lớn nhất thế giới của các bộ trưởng Nông nghiệp và đại diện cấp cao của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra vào ngày cuối của hội nghị.
Thông cáo chung được các bộ trưởng nông nghiệp của 61 quốc gia đưa ra khi kết thúc hội nghị khẳng định diễn đàn GFFA 2024 đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận chuyên sâu và thành công.
Thông cáo nêu rõ các bộ trưởng nông nghiệp hết sức quan ngại rằng thế giới vẫn đang ở giữa một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu chưa từng có và rất khó có thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 2 - “Không còn nạn đói” vào năm 2030, với những biện pháp vẫn được thực hiện bấy lâu nay. Nếu không có hành động quyết liệt, gần 600 triệu người trên thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030.
Các bộ trưởng cũng khẳng định rằng một trong những lý do chính gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng là chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới. Những người đứng đầu ngành nông nghiệp các nước nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp cận lương thực bền vững, đầy đủ và không bị cản trở cho người dân ở các khu vực xung đột.
Thông cáo khẳng định cần phải thực hiện đầy đủ quyền con người về thực phẩm, tức là thực phẩm phải sẵn có, dễ tiếp cận, với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Việc thực hiện Hướng dẫn tự nguyện của FAO về Quyền thực phẩm cần được tăng cường và phổ biến rộng rãi hơn.
Các bộ trưởng nông nghiệp cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững, địa phương hoá, thích ứng với địa điểm và có khả năng phục hồi, nhằm đạt được SDG 2 “Không còn nạn đói” và các mục tiêu bền vững khác của Chương trình nghị sự 2030.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng khẳng định, các phương pháp tiếp cận sinh thái nông nghiệp, canh tác hữu cơ, hệ thống nông lâm kết hợp và nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt bị ảnh hưởng bởi mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và các cuộc khủng hoảng và do đó cần được hỗ trợ. Sự tham gia bình đẳng, đặc biệt là của thế hệ trẻ và phụ nữ, là rất quan trọng.
Ngoài ra, cần giảm bất bình đẳng trong đối xử với phụ nữ trong nông nghiệp, tăng cường vai trò của phụ nữ, kể cả ở các vị trí lãnh đạo. Phụ nữ cần được tiếp cận tốt hơn với đất đai và các nguồn tài nguyên.
Để tăng cường quản trị tính bền vững, cần có các cơ chế đảm bảo quyền về đất đai, tiếp cận hạt giống chất lượng cao và tiếp cận công bằng với tài chính và cơ sở hạ tầng nông thôn.
Các bộ trưởng cũng hướng tới mục tiêu giảm một nửa chất thải thực phẩm toàn cầu. Đến năm 2030, lãng phí và thất thoát thực phẩm sẽ giảm đáng kể trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón bền vững để ổn định năng suất và tránh tình trạng thiếu nguồn cung toàn cầu.
Nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay nhắc nhở cần phải thay đổi hệ thống lương thực để làm cho hệ thống bền vững hơn và công bằng hơn. Trên toàn cầu, đang có thách thức liên quan tới tình trạng thiếu đổi mới thế hệ trong nông nghiệp và mất dần các nhà sản xuất thực phẩm.
Các chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để chống lại xu hướng này bằng cách xây dựng và thực hiện các chính sách và khung pháp lý phù hợp, đồng thời đẩy nhanh việc chuyển đổi các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng xanh, an toàn, tạo ra những giá trị bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
TH (tổng hợp)