Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội vào sáng 9.11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, điều quan trọng nhất lúc này là cần nỗ lực thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội. Dịch Covid-19 bùng phát khiến nguồn nhân lực vốn yếu về chất lượng lại đối diện thêm với thách thức thiếu về số lượng do lực lượng lao động dịch chuyển về khu vực nông thôn, rời bỏ các khu công nghiệp, đô thị lớn.
Bởi vậy, để khôi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch, nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2022, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng. Cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo hai nhánh, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
"Cần chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa. Trong đó, triển khai hiệu quả công tác phân luồng các nhóm học sinh tham gia đào tạo nghề; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu, đánh giá các nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai để lựa chọn đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp có tính đón đầu xu hướng", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị.
Đối với nguồn nhân lực hiện có, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng trình độ, tiêu chuẩn mà thực tiễn yêu cầu, tạo cơ hội để người lao động tiếp cận khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Đặc biệt, cần có những chính sách khuyến khích, giữ chân lao động chất lượng cao ở thị trường lao động trong nước, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài; giữ chân nguồn nhân lực có tài, có tầm trong khu vực công.
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khối nhà nước cần quan tâm, thực hiện chính sách cải cách tiền lương mạnh mẽ hơn nữa. Coi cải cải cách tiền lương là sự đầu tư quan trọng vào nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng môi trường lao động văn minh, tiến bộ, công bằng. Trong khu vực công, đó là minh bạch trong đánh giá và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tinh giản bộ máy và biên chế; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng để thanh lọc nguồn nhân lực, làm tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đó là xây dựng một nền kinh tế hội nhập, năng động, có tính toàn cầu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tích cực đầu tư sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
"Tất cả những giải pháp này chúng ta đã đề cập nhưng rõ ràng vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt nên cần quan tâm với những giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định.
PV