Chính trị

Nhân nghĩa Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và mặt trận Điện Biên Phủ

LÊ QUÝ HOÀNG 05/05/2024 05:00

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn đối với những kẻ xâm lược bại trận. Người luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ta làm tốt công tác chính sách tù hàng binh...

tu-binh-phap-cam-phuc-truoc-tam-long-nhan-ai-nhan-dao-cua-ho-chu-tich-1-(1).jpg
Tù binh Pháp cảm phục trước tấm lòng nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và là người chỉ đạo sát sao, giáo dục động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Bác luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ta làm tốt công tác chính sách tù hàng binh; kết hợp nhuần nhuyễn với công tác binh vận, mặc dù điều kiện của ta lúc đó còn nhiều khó khăn thiếu thốn.

Kết thúc chiến dịch, quân ta bắt sống hàng vạn tên địch, trong đó có hàng nghìn thương binh và bệnh binh nặng. Mặc dù bộ đội và dân công đã trải qua thời gian dài chiến đấu, sức khỏe giảm sút, lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ quân y còn lại rất ít, nhưng những thương bệnh binh địch vẫn được các bác sĩ, y tá của ta tập trung cứu chữa; được dân công hỏa tuyến tận tình khiêng cáng về nơi điều trị an toàn. Tù binh địch không những không bị tra tấn và đánh đập như họ tưởng, mà còn được ta cho ăn uống và dẫn giải về trại tập trung. Trong trại, tù và hàng binh của Pháp được bộ đội ta nuôi dưỡng và chăm sóc tận tình. Họ được khám chữa bệnh, ăn uống theo khẩu phần quy định, sinh hoạt theo nội quy thống nhất. Hằng ngày họ phải làm vệ sinh cá nhân và nơi ở, được tập thể dục và chơi thể thao. Các cán bộ quản lý còn tuyên truyền, giải thích rõ về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, giúp họ trút bỏ nỗi lo âu và hoảng sợ sẽ bị trả thù.

Mặc dù tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta là rất lớn, nhưng với tấm lòng bao dung và nhân ái, cũng như chính sách khoan hồng và độ lượng của Đảng, Nhà nước, quân và dân ta đã không lấy hận thù để trả thù, không đem lòng căm giận để trừng phạt tù binh và hàng binh Pháp. Việc làm đó thể hiện rõ tính nhân văn, lòng yêu hòa bình, muốn khép lại mọi sự hận thù, mở ra mối quan hệ mới sau chiến tranh. Đây cũng là sự kế tục truyền thống quý giá của dân tộc ta: "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo".

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn đối với những kẻ xâm lược bại trận. Ngay sau Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định ân xá, thả cả hai sĩ quan chỉ huy binh đoàn Lơ Pagiơ và Sáctông, cùng hàng trăm tù binh của Pháp, cho họ trở về.

Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 30/3/1953, Hồ Chủ tịch ký quyết định thả 200 tù binh người Bắc Phi. Trong thư gửi cho tù binh, Bác viết: "Tôi biết rằng đó không phải lỗi của các bạn, các bạn đều là nạn nhân buộc phải cầm súng chiến đấu cho thực dân Pháp". Người cũng viết: "Tôi nghĩ rằng đến một ngày gần đây hai dân tộc Pháp - Việt có thể cùng cộng tác trong hòa bình và thân ái, để mưu cầu hạnh phúc cho hai dân tộc". Bác giải thích với tù binh: "Các ông biết chiến tranh là chiến tranh. Quân đội Việt Nam chỉ làm chiến tranh trong các trận đánh, sau trận đánh đối với quân đội bại trận, quân đội Việt Nam coi các binh sĩ như người dân Pháp; sự thiếu thốn chỉ là do hoàn cảnh mà thôi". Người còn nói với tù binh là lính lê dương: Các bạn với chúng tôi tuy khác màu da nhưng máu đỏ thì đều như nhau, các bạn không thể chết một cách vô nghĩa, hãy đứng về phía chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có khoảng 1.300 lính lê dương đào ngũ sang Việt Minh và tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều người trong số họ đã có đóng góp lớn cho Việt Minh; nhiều người sau đó đã trở thành cán bộ của Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi họ là “những người Việt Nam mới”. Trong một lần đến thăm tù binh, thấy một sĩ quan Pháp đang bị sốt rét, Bác còn cởi cả áo khoác của mình đưa cho họ. Cử chỉ của Người không chỉ khiến tù binh Pháp và lính lê dương ôm mặt khóc mà còn giúp họ hiểu được cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Từ mùa hè năm 1953, khi Pháp sa lầy ở Đông Dương cũng là lúc phong trào chống chiến tranh ở Pháp dâng cao, Pháp cũng đã tính đến việc rút khỏi Đông Dương trong danh dự, nhưng ỷ thế nước lớn, Pháp không muốn nói chuyện thẳng với Việt Nam mà muốn việc lập lại hoà bình ở đây do các nước lớn dàn xếp. Ngày 26/11/1953, trả lời một nhà báo Thuỵ Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nếu Chính phủ Pháp rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam theo lối hoà bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó”. Đó cũng là tư tưởng nhân văn, nhân đạo của Hồ Chủ Tịch, Người không muốn cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp xâm lược gây ra không chỉ làm những người dân vô tội của Việt Nam bị chết mà binh lính Pháp cũng không đứng ngoài những tổn thất to lớn ấy.

Hiệp định Geneva đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có Mỹ giúp sức ở Việt Nam và Đông Dương. Đây thực sự là một bước ngoặt mới, một giai đoạn đấu tranh mới của quân và dân ta với những phương thức mới; không chỉ đấu tranh bằng quân sự mà còn bằng nhiều hình thức khác để đi tới mục tiêu thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, làm thất bại âm mưu của kẻ thù muốn chia cắt vĩnh viễn đất nước ta.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Bác Hồ đã nói: “... Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác- Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công...”.

Truyền thống đánh giặc kiên cường, lòng nhân đạo đối với tù binh, hàng binh địch và tư tưởng nhân văn, nhân đạo của Bác đã được nhân dân ta vận dụng rất thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tù binh và hàng binh Mỹ đều được đối xử rất nhân đạo, được giáo dục và trả về đoàn tụ cùng gia đình, có người sau này trở thành thượng nghị sĩ và Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Nhiều tù binh có tình cảm tốt với nhân dân ta, chính họ đã bắc nhịp cầu nối lại tình đoàn kết giữa hai dân tộc và mở ra phương hướng hợp tác mới giữa hai quốc gia. Truyền thống đại nghĩa và nhân văn thể hiện qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là thông điệp mà nhân dân ta muốn gửi tới các tổ chức và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực thù địch có âm mưu chống phá hoặc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải nước ta.

LÊ QUÝ HOÀNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân nghĩa Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và mặt trận Điện Biên Phủ