Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về án lệ

20/03/2023 18:54

Sáng 20.3, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trực tuyến phần chất vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát.


Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì điểm cầu Hải Dương

Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì điểm cầu tại Hải Dương.

Nhận định số lượng án lệ còn quá ít, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi với đồng chí Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cần có những giải pháp gì để phát triển án lệ thời gian tới nhằm khắc phục khó khăn trong trường hợp giải quyết những vụ án chưa có điều luật áp dụng?     

Trả lời chất vấn, đồng chí Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin, một trong những nội dung cải cách tư pháp từ nhiệm kỳ XIV là Quốc hội cho phép Toà án Nhân dân phát triển án lệ. Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ 4 năm nay trong khi lịch sử phát triển án lệ trên thế giới đã có 100 năm. Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất không thể bao hàm hết diễn biến cuộc sống. Án lệ được xem là nguồn bổ sung cho giải thích pháp luật và thực tiễn nếu pháp luật chưa đề cập đến, tạo chuẩn mực pháp lý cho các cơ quan áp dụng. Án lệ chỉ là một chi tiết của vụ án mà không phải toàn bộ vụ án.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi với Chánh án Toàn án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Đồng chí Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh trong phát triển án lệ phải có những bước đi thận trọng. Quy trình làm án lệ chặt chẽ nên số lượng ít. Điều này rất cần thiết đối với thực tế ở nước ta. Thời gian tới, Tòa án Nhân dân tối cao từng bước sửa quy trình này và khuyến khích thẩm phán giới thiệu bản án, đẩy nhanh phát triển án lệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đặt câu hỏi với Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí: Theo quy định của luật, kiểm sát viên kiểm sát ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, xuyên suốt giai đoạn điều tra, trực tiếp kiểm sát một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung sau khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị truy tố. Nhiều trường hợp để tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điều này không thể không nhắc đến trách nhiệm của kiểm sát viên đã thiếu bám sát quá trình điều tra, đôn đốc điều tra dẫn đến phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, gây kéo dài thời gian tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng tố tụng. Viện trưởng có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này thời gian tới?


Các đại biểu dự ở điểm cầu Hải Dương

Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là một biện pháp tố tụng. Trong quá trình điều tra, nếu thấy vụ việc chưa rõ, chưa đầy đủ, nhất là vụ án phức tạp cần phải trả để điều tra bổ sung, không nên nhìn nhận đây là hạn chế. Đây cũng là một trong những biện pháp chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Ngành đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và đưa ra chỉ tiêu cụ thể để không bị lạm dụng việc này. Viện sẽ đánh giá, kiểm điểm những trường hợp trả hồ sơ không đúng quy định và xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm

 DT

(0) Bình luận
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về án lệ