Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này có nhiều bổ sung kịp thời, trong đó siết chặt quản lý ngay từ khâu xây dựng với nhà cho thuê có nhiều gia đình sinh sống.
Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều nội dung được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh dự thảo đã bổ sung rất kịp thời như các quy định liên quan đến việc siết chặt quản lý ngay từ khâu xây dựng ban đầu với nhà xây dựng cho thuê có nhiều gia đình sinh sống. Việc này nhằm phòng tránh những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra như thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển nhà ở xã hội bảo đảm đủ các tiêu chí đúng mục đích, nhu cầu, đúng đối tượng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, xoá bỏ tình trạng nhà ở xã hội thừa mà người mong tiếp cận vẫn không thể tiếp cận.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội. Theo đại biểu, đây là một quy định rất nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
PHONG TUYẾT