Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông năm nay có thể xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng bất lợi đối với đàn gia súc, gia cầm.
Vật nuôi tốn nhiều năng lượng do phải chống rét, từ đó sẽ giảm sức đề kháng, dẫn đến nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm, long móng ở gia súc và nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi…
Để giảm thiểu phát sinh các bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi, người dân cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
1. Về chuồng trại:
Chuồng trại phải có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô. Đặc biệt, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Đối với nền chuồng gà, trâu bò cần rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm chân và tăng nhiệt độ trong chuồng. Tuyệt đối không rửa chuồng vào những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Cần tăng cường sưởi ấm vật nuôi bằng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc đốt củi, bếp than để sưởi. Chú ý khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng vật nuôi ngạt, ngộ độc khí CO2 và vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy. Đối với đàn trâu bò, nên mặc áo ấm bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn, áo cũ… để chống rét.
2. Chăm sóc nuôi dưỡng:
Đối với gia cầm: Đối với đàn gia cầm mới nở phải thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm, lưu ý các giống gà mọc lông chậm hoặc ít lông (gà chọi, gà mía, gà Đông Tảo…), khả năng chịu lạnh kém, cần có biện pháp chống rét thích hợp, che chắn chuồng tránh gió lùa trực tiếp, tăng nguồn nhiệt bằng cách bổ sung thêm bóng điện, bóng hồng ngoại.
Không thả gia cầm ra vườn, đồi trong những ngày có rét đậm, rét hại và mưa phùn. Có thể chăn nuôi gà trên nền đệm lót vi sinh để nâng cao nhiệt độ chuồng nuôi giúp sưởi ấm. Cho gia cầm uống nước ấm, bổ sung chất điện giải, B.comlex, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng.
Đối với chăn nuôi lợn: Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa, nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Cho lợn uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các vitamin tổng hợp, men tiêu hóa trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng các bệnh cho đàn lợn như dịch tả lợn, tai xanh, lở mồm long móng...
Đối với trâu bò: Kiểm tra, củng cố nền chuồng, mái che, tường bao quanh, bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt vào chuồng. Dự phòng bạt, phên nứa, chăn màn cũ, áo cũ… để quây chuồng nuôi và giữ ấm cho trâu bò khi rét đậm, rét hại. Dự trữ thức ăn cho trâu bò, tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn cho chúng, đặc biệt là rơm, thân, lá cây ngô trong vụ thu đông.
3. Thời điểm chăn thả gia súc, gia cầm: Nông dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả gia súc, gia cầm hợp lý. Khi chăn thả, bà con nên cho vật nuôi ra bãi lúc 9 giờ sáng và cho về chuồng trước 16 giờ hằng ngày. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 12 độ C thì không chăn thả mà nhốt vật nuôi trong chuồng và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con vật.
NGUYỄN MINH ĐỨC
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh