Đấu tranh tư tưởng, lý luận là một bộ phận của đấu tranh giai cấp, là cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt và phức tạp.
Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời và trong quá trình phát triển đã luôn phải đấu tranh với những quan điểm đối lập, phản động, phản khoa học, cơ hội, xét lại dưới mọi hình thức và màu sắc. Đối với cách mạng Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch đã tập trung chỉ đạo, tài trợ, tăng cường hệ thống thông tin tuyên truyền chống phá. Đã có gần 40 đài phát thanh, truyền hình có chương trình tiếng Việt, gần 500 tờ báo, tạp chí, bản tin bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài chĩa mũi nhọn chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều mặt. Tại các trang mạng xã hội, các trang website có máy chủ đặt ở nước ngoài, xuất hiện nhiều nguồn tin xuyên tạc, kích động, lôi kéo có chủ đích chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng tập trung vào những vấn đề nhạy cảm để xuyên tạc, kích động, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được.
Chúng ta cần chủ động phát hiện và đấu tranh mạnh mẽ, phản bác mọi thông tin sai sự thật, những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp ủy cần tổ chức tốt cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng. Đề cao cảnh giác cách mạng trước những tác động tiêu cực của tình hình quốc tế và trong nước, kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền kích động, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi tổ chức, từng cán bộ, đảng viên phải đề cao vai trò chủ động và ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao trong phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu dự báo và nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Chủ động giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng trong mọi tình huống. Mặt khác, cần chủ động nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước đối sách xử lý những tình huống phức tạp, “điểm nóng” trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Hình thức đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch phải phong phú, đa dạng như hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế, viết các chuyên khảo, chuyên luận, tổ chức các buổi thuyết trình, giảng giải để phê phán, phản bác. Quan tâm xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, nhà lý luận, cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn thực sự tâm huyết, có dũng khí đấu tranh, có bản lĩnh chính trị, kiến thức sâu sắc và phương pháp đấu tranh tư tưởng sắc bén. Phát huy vai trò của các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, cơ quan thông tấn, báo chí; coi đây là lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)