Pháp luật

Hải Dương mạnh tay đấu tranh với hàng giả

DANH TRUNG 01/02/2024 19:00

Do nhu cầu mua sắm cao dịp gần Tết, để trục lợi, nhiều cơ sở, cá nhân đã mua bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh đấu tranh với vấn nạn này.

Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý một hộ kinh doanh điện thoại di động không rõ nguồn gốc, xuất xứ (ảnh cơ quan chức năng cung cấp)

Lật tẩy nhiều cơ sở vi phạm

Những tháng cuối năm 2023, Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là mở đợt cao điểm đấu tranh với loại hình này.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ ngày 15/11/2023-14/1/2024, đơn vị đã chủ trì, phối hợp cơ quan công an và một số đơn vị liên quan kiểm tra 105 vụ, phát hiện, xử lý 92 vụ vi phạm, phạt tiền hơn 806 triệu đồng. Tiền bán hàng tịch thu gần 659 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 2,2 tỷ đồng.

Ngày 21/12/2023, cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Phạm Văn Bình, ở thôn Hảo Thôn, xã Đồng Lạc (Nam Sách) kinh doanh ở nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh và có nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Cơ quan chức năng đã tịch thu 158 chiếc/bộ quần áo người lớn, đồ thể thao giả mạo các nhãn hiệu: NIKE, ADIDAS, trị giá hàng hóa vi phạm gần 34 triệu đồng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Chí Linh), lực lượng công an đẩy mạnh đấu tranh với các hành vi vận chuyển, mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả trên địa bàn. Cơ quan công an chủ trì, phối hợp tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, kho hàng để kiểm soát hàng hóa. Qua kiểm tra, từ ngày 15/12/2023-26/1/2024, Công an thành phố đã phát hiện 6 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng chú ý là vào trưa 14/1, Công an thành phố phát hiện tại cơ sở kinh doanh của anh Nguyễn Văn Việt (phường Đồng Lạc) bày bán 10 chiếc máy lọc không khí nhãn hiệu Panasonic và Sharp, trị giá hàng hóa khoảng 12 triệu đồng. Trên các sản phẩm không có thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Anh Việt không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa và không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Còn khó khăn

Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp kiểm tra phát hiện một trường hợp kinh doanh hàng giả ở huyện Gia Lộc (ảnh cơ quan chức năng cung cấp)

Công tác tuyên truyền, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã được đẩy mạnh nhưng còn nhiều khó khăn.

Theo cơ quan chức năng, Hải Dương là địa bàn trung chuyển nên việc quản lý đối tượng, xác minh nguồn gốc hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có lúc chưa thường xuyên. Việc phối hợp kiểm tra, bắt giữ các đối tượng, phương tiện vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm còn chưa chặt chẽ do phân chia về địa giới hành chính. Công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Vũ Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết: "Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Cơ quan chức năng khó phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa hàng của các đối tượng".

Để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe của người dân khi mua sắm hàng hóa dịp Tết và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, cơ quan chức năng các cấp của tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về việc đầu cơ găm hàng, niêm yết giá; các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc, xuất xứ.

Các nhóm hàng hóa được tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có thuế suất cao, hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, thức ăn cho gia súc, gia cầm...

DANH TRUNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương mạnh tay đấu tranh với hàng giả