Nhận trách nhiệm và xử lý rốt ráo bê bối cũng thể hiện bản lĩnh chính trị và cách làm nhân văn của người lãnh đạo, như Tổng Bí thư đã nói đại ý: Xử lý một người để cứu hàng vạn người.
Mấy ngày qua, dư luận nóng lên vì vụ nghi vấn đề thi trắc nghiệm môn sinh học bị lộ do một giáo viên không biết bằng cách nào đã cung cấp cho học sinh luyện thi có đến trên 90% nội dung trùng với nội dung đề thi chính thức, khiến nhiều thí sinh đạt điểm cao bất thường.
Những điểm bất thường như trên không phải đến nay báo chí nêu ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới biết mà thực chất bộ trưởng đã biết nghi án qua biên bản của tổ công tác thẩm định đánh giá về đề thi sinh vật đệ trình cách đây mấy tháng.
Có điều không hiểu vì sao bộ vẫn hầu như không có động thái gì để trả lời trước công luận cũng như đưa ra những biện pháp để ngăn chặn sự việc có thể tái diễn.
Giáo dục vốn mấy năm nay làm được một số việc tích cực, nhất là hai năm qua trong bối cảnh cả nước gồng mình chống lại đại dịch COVID-19, nhưng niềm tin vào giáo dục của xã hội vẫn nhạt nhòa qua những sự cố về sách giáo khoa tiểu học, về vụ cấp bằng giả ở ĐH Đông Đô, những hứa hẹn học thật, thi thật chưa thực hiện được, vụ gian lận thi cử năm học 2017 - 2018 ở vài địa phương và đặc biệt lần này việc làm lộ bí mật quốc gia về đề thi (vốn xếp vào hàng tối mật) nằm ngay tại tổng hành dinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong tiến trình đổi mới nói chung và đổi mới giáo dục nói riêng không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi do những rủi ro, thách thức luôn rình rập.
Chẳng ai có thể "nắm tay từ tối đến sáng" để rồi nói tài nói giỏi, nhưng đổi mới rất cần những người lãnh đạo có trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị, thẳng thắn, trung thực, không vòng vo né tránh, xu thời, đi cùng với trí tuệ sáng suốt minh định phải trái để ra những quyết định kịp thời mang lại lợi ích cho sự phát triển.
Như một thực tế rõ ràng, càng ngại đấu tranh với tiêu cực thì tiêu cực sẽ càng có đất để phát triển.
Nghi vấn lộ đề thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể nói rất rõ ràng và trách nhiệm trước tiên tất nhiên thuộc về Bộ Giáo dục và đào tạo, nơi ban hành quy trình xây dựng đề thi. Ở đó theo quy định phải sản xuất ra ngân hàng đề thi, nhưng tại sao chỉ có mấy bộ đề? Vì sao năm nào cũng xảy ra sự cố đề thi không ở môn này thì ở môn khác (qua phân tích phổ điểm)?
Vì sao năm nào cũng thi nhưng dường như việc xây dựng đề thi vẫn cứ như chạy ăn đong tìm kiếm người làm đề theo kiểu nghiệp dư mà không có một tầm nhìn dài hạn để phát triển các trung tâm có tính chuyên nghiệp cao trong việc sản xuất đề thi? Trong khi đó, việc đổi mới công tác thi kiểm tra đánh giá được nghị quyết 29 đòi hỏi như 1 trong 9 giải pháp then chốt.
Sự việc dẫu sao đã xảy ra rồi, dư luận đang chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời thế nào trước công luận vì sao lại quá chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc xử lý đến cùng vụ việc nói trên, để đảm bảo vừa lấy lại lòng tin của xã hội vừa thực hiện tôn chỉ học thật thi thật.
Nhận trách nhiệm và xử lý rốt ráo bê bối cũng thể hiện bản lĩnh chính trị và cách làm nhân văn của người lãnh đạo, như Tổng Bí thư đã nói đại ý: Xử lý một người để cứu hàng vạn người.
Theo Tuổi trẻ