Kiềm chế cảm xúc "hậu ly hôn" không chỉ để giữ hình ảnh của mình trong mắt con cái cũng như mọi người mà còn là chừa cửa hậu cho chính mình.
Cùng lúc, mọi người được chứng kiến hai vụ chia tay của những người nổi tiếng. Thật thú vị khi cả hai cặp đều chọn cách chia tay văn minh và cùng dành cho "người cũ từng yêu" những lời tử tế, dù đã có người mới như ca sĩ Thanh Hà hay chưa có người thứ ba xuất hiện như Hoà Minzy. Điều không dễ thực hiện với các cặp đôi trong giới showbiz vốn nhiều "drama".
Khi yêu, các cặp đôi không tiếc những lời có cánh dành cho nhau, âu cũng chuyện thường. Nhưng khi hết yêu mà vẫn có thể dành cho nhau sự tôn trọng, tử tế, ấy mới thực là đáng ngưỡng mộ. Mấy ai có được cách hành xử như thế khi tình cảm đã cạn, chưa kể lý do khiến họ chia tay cũng như những tranh chấp "hậu ly hôn" khác.
Con cái là người "lãnh đủ" khi cha mẹ ly hôn
Từng gắn bó với nhau trong suốt một quãng thời gian dài bỗng một ngày đường ai nấy đi quả là một điều không mấy dễ chịu. Để thực hiện việc "chia tay trong hoà bình" hẳn người trong cuộc đã phải rất cố gắng, vì nhau và vì con.
Hàng xóm tôi vẫn chưa quên vụ ly hôn của nhà nọ. Không rõ nguyên do dẫn đến ly hôn của họ là gì, chỉ thấy người chồng rêu rao khắp nơi những thói hư tật xấu của vợ, kể cả những thói quen xấu liên quan đến chuyện giường chiếu lẫn các khiếm khuyết trên người chị vợ.
Anh ta còn lên mạng live stream lu loa rằng chị vợ "theo trai". Người tế nhị, lịch sự vốn chẳng nên nói ra chuyện trong nhà, huống gì những thứ chẳng mấy tốt đẹp ấy liên quan đến người từng đầu ấp tay gối với mình, là người đẻ ra con mình. Chưa rõ có đúng sự thật không nhưng khi bêu riếu vợ cũ, anh chồng trở nên bỉ ổi, hèn mạt trong mắt tất cả mọi người.
Anh bạn tôi có vợ cũ là sếp lớn trong một cơ quan nọ. Trông họ rất đẹp đôi dù chị đã qua một lần đò trước khi lấy anh. Trong mắt mọi người, chị tôn sùng anh như thần tượng. Ở đâu, làm gì, chị cũng đeo anh như sam. Nghe những lời nâng niu chiều chuộng chị dành cho anh, nhiều người không khỏi ganh tỵ với hạnh phúc của họ.
Vậy mà "đùng cái" họ ly hôn. Nghe đâu vì chị có người mới là ông sếp Tây, còn anh có người khác vì chị nhất định không sinh con với anh sau nhiều năm gắn bó. Lý do vì chị yêu tự do hơn cuộc sống gia đình, thêm nữa là chị đã có con riêng nên không muốn vướng bận thêm chuyện con cái.
Tình cờ gặp chị, nhận ra tôi là đồng nghiệp của anh, chị kể xấu anh không tiếc lời. Từ việc anh tính toán keo bẩn đến độ chia đôi tài sản không sót thứ gì, sang việc anh bỏ chị để theo người tình mới không bằng một góc của chị.
Biết anh đã lâu vốn không "đốn mạt" như lời chị kể, lại nghe giọng chị cay nghiệt, chua ngoa, tôi không tin chị đang làm lãnh đạo của một cơ quan văn hoá lớn, lại mừng thầm giùm anh đã thoát khỏi một người đanh đá, nanh nọc.
Dẫu sau này, khi những cơn sóng giận dữ, oán hận đã qua, người ta có thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử với người cũ hay không thì chưa biết. Nhưng kiềm chế cảm xúc "hậu ly hôn" thiết nghĩ là những gì tốt nhất còn lại các cặp đôi nên làm, không chỉ để giữ hình ảnh trong mắt con cái cũng như mọi người, mà còn là chừa cửa hậu cho chính mình trên lối rẽ mới.
Thay cho tâm lý "chẳng còn gì để mất", "ăn không được thì đạp đổ" hay "phá cho hôi", lẽ ra họ nên nghĩ ly hôn sự là sự khởi đầu cho đoạn đường sống mới. Muốn tốt đẹp hơn thì đừng bêu xấu đối phương. Bởi vì, chẳng có ai trở nên thanh cao bằng cách miệt thị người khác; cũng như khi đạp người khác xuống bùn, mấy ai tránh khỏi bị lấm lem.
Theo Người lao động