Tác giả - Tác phẩm

Chỉ là ghi chép mà thôi

BA (st) 16/08/2024 15:00

Thật ra thì cuốn "Con trâu" của mình chỉ là thấy gì ghi nấy thôi nên gọi nó là ghi chép, chứ chưa thể là tiểu thuyết được.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II (năm 2000). Ông là tác giả tiểu thuyết "Con trâu", nhiều năm được trích giảng trong các trường phổ thông và đại học.

Dạo đó, Nguyễn Văn Bổng làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ. Còn nhà thơ trẻ Trần Ninh Hồ là Trưởng Ban Văn xuôi làm việc dưới quyền ông. Một lần, đọc bản bông (bản in thử) trước khi ký cho in, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bổng phát hiện mấy dòng trong một bài bút ký câu chữ không ổn, ông đã yêu cầu sửa mà vẫn còn nguyên lỗi. Bực bội, lại là người thẳng tính, ông liền chỉ tay vào mấy câu văn còn sai sót nọ, nhìn Trần Ninh Hồ, giận dữ quát:

- Tôi đã bảo cậu rồi, tại sao cậu không chữa? Trưởng ban gì, nhà văn gì mà ngu thế?

Lời quát mắng thật nặng nề. Trong hoàn cảnh ấy, lẽ ra phải thanh minh là tôi đã sửa theo ý anh rồi nhưng nhà in họ đã lười biếng và sơ suất nên mới có cơ sự này; và vì lý do này, lý do khác… thì nhà thơ trẻ Trần Ninh Hồ lại buột miệng: Anh Bổng ạ, anh nói đúng quá. Đúng là tôi là người rất ngu. Và không để nhà văn lão thành kịp ngạc nhiên Trần Ninh Hồ đủng đỉnh nói tiếp:

- Thì anh tính, lớp bảy, tôi đã học trích đoạn tiểu thuyết "Con trâu" của anh, lên lớp mười, tôi lại học tác phẩm ấy và cuối cùng vào đại học, trong chương trình ngữ văn cũng lại có "Con trâu". Thế thì làm sao mà không ngu được?

Nói xong, nhà thơ trẻ liền đứng phắt dậy, cầm trang bông nọ cum cúp đi xuống nhà in để sửa chữa mặc cho Phó Tổng biên tập Từ Sơn chứng kiến vội ra hiệu: Hãy bình tĩnh! Hãy bình tĩnh, Trần Ninh Hồ!

Sau chuyện này, Trần Ninh Hồ cố ý tránh mặt Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bổng. Nhưng làm sao mà tránh mãi được vì cơ quan vốn chật hẹp. Vì công việc thường ngày phải giáp mặt nhau. Cuối cùng, một lần định đi nhanh qua phòng Tổng Biên tập thì Trần Ninh Hồ bỗng nghe thấy tiếng Nguyễn Văn Bổng gọi:

- Mời ông vào đây, mình có chuyện muốn nói với ông.

Chà, ông ấy gọi mình là ông cơ đấy. Trần Ninh Hồ đón chén nước từ Tổng Biên tập đưa và ngẫm nghĩ.

- Thế này, ông ạ - Nguyễn Văn Bổng nói: Mình tập kết ra Bắc được ít lâu thì lại được cử vào Nam công tác nên chỉ biết là trong chương trình văn lớp bảy hồi đó, học sinh các ông được học trích đoạn "Con trâu" của mình thật. Thế, lên lớp mười hệ mười năm các ông cũng lại học "Con trâu" à?

- Vâng!

- Thế vào đại học?

- Cũng vẫn thế! Vì không thế thì làm sao mà ra trường lại có thể dạy học trò lớp mười được.

Ngẩn người một lát, tác giả tiểu thuyết "Con trâu" nổi tiếng một thời gật gù, rồi cất giọng ngậm ngùi:

- Mình vốn là anh cử nhân toán học. Đã từng dạy toán ở Trường Đồng Khánh, Trường Quốc học Huế. Kháng chiến chống Pháp, các anh lãnh đạo cho rằng đã là cử nhân thì chắc là viết văn được nên cho mình đi thực tế để viết và thế là tiểu thuyết "Con trâu" ra đời… Ông à, thật ra thì cuốn "Con trâu" của mình chỉ là thấy gì ghi nấy thôi nên gọi nó là ghi chép, chứ chưa thể là tiểu thuyết được.

Bây giờ thì đến lượt nhà thơ trẻ Trần Ninh Hồ sửng sốt. Cứ tưởng là bậc trưởng lão văn chương nổi cơn tự ái, sẽ ra tay trù dập không ngờ câu nói buột miệng của mình lại khiến nhà văn đàn anh phải suy nghĩ đến vậy. Tác giả "Con trâu" quả là một nhà văn chân thành, khiêm nhường.

BA (st)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ là ghi chép mà thôi